Hiện châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 4 trên thế giới, sau khu vực Mỹ Latin và Caribe, châu Âu, Mỹ và Canada. Sau khi được đánh giá là kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 ở giai đoạn đầu, châu Á hiện đối mặt với tình trạng dịch tái bùng phát mạnh trở lại với số người nhiễm và tử vong tăng kể từ tháng 8. 

Theo hãng tin Reuters, dữ liệu Bộ Y tế Ấn Độ cho thấy số ca nhiễm mới trong một ngày tại nước này tăng lên 83.341 ca hôm 4-9, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên hơn 3,94 triệu. Là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Á và đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Brazil, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 68.000 người thiệt mạng vì dịch Covid-19.

Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm từ một phụ nữ tại cửa hàng tạp hóa ở TP Ahmedabad – Ấn Độ hôm 4-9 Ảnh: Reuters

Bộ Y tế Indonesia cho biết có thêm 3.269 ca nhiễm mới trong ngày 4-9, nâng tổng số ca nhiễm lên 187.537. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới trên 3.000 trong khi số ca tử vong mới là 82 đã nâng tổng số người chết lên 7.832, con số tử vong do dịch Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á. 

Trong khi đó, chính quyền Thái Lan hôm 3-9 cho biết ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau 100 ngày là một tù nhân 37 tuổi. Người này bị bắt vì lạm dụng ma túy, bị đưa đến nhà tù ở thủ đô Bangkok vào ngày 26-8 và cho kết quả dương tính tại trung tâm y tế của nhà tù hôm 2-9.

Các quan chức cũng khẳng định không có nguy cơ lây nhiễm giữa các tù nhân bởi tất cả tù nhân mới được cách ly 14 ngày khi vào trại. Ca lây nhiễm đầu tiên kể từ cuối tháng 5 này ở Thái Lan cho thấy dịch Covid-19 đã lây lan trong cộng đồng được một thời gian mà không bị phát hiện, điều này làm dấy lên lo ngại về một làn sóng bùng phát mới. Hiện Thái Lan có hơn 3.400 ca nhiễm và 58 ca tử vong do dịch Covid-19.

Trong tuần qua, mối lo ngại gia tăng về nguy cơ dịch Covid-19 lây lan từ nước láng giềng Myanmar, nơi chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt trong những tuần qua, khi các ngành công nghiệp của Thái Lan sử dụng hàng trăm ngàn lao động nhập cư từ nước này. 


Xuân Mai

Chia sẻ