Trước thông tin về tình trạng mất ngủ gia tăng, họ quyết định dựa vào một trong những chức năng chính của khách sạn: Cung cấp nơi để khách có giấc ngủ ngon vào ban đêm và một dịch vụ như thế ra đời vào năm 2021.

Khách trọ đến Cadogan được hỗ trợ giấc ngủ thông qua một loạt tiện nghi và dịch vụ, như liệu pháp thôi miên, trà tịnh tâm… Ông Xavier Lablaude, Tổng quản lý Cadogan, cho biết nhiều người chỉ cần rời khỏi nhà cũng thấy lo lắng nên điều cần làm là giúp họ yên tâm hơn khi ở khách sạn.

Phòng “Nghỉ ngơi và Hồi phục” tại khách sạn Figueroa Ảnh: TANVEER BADAL

Tờ The Washington Post cho biết Cadogan là một trong số nhiều khách sạn đầu tư ngày càng mạnh mẽ vào các dịch vụ có chủ đề giấc ngủ.

Tại TP Los Angeles (Mỹ), khách sạn Figueroa vào năm ngoái đưa vào sử dụng loại phòng có tên là “Nghỉ ngơi và hồi phục”. Căn phòng có diện tích khoảng 80 m2, được trang bị những tiện ích công nghệ cao, như nệm có thể điều chỉnh nhiệt độ tùy theo thân nhiệt trong đêm của người ngủ.

Bà Connie Wang, Giám đốc quản lý khách sạn, cho biết họ nảy ra ý tưởng trên sau khi nhiều người đến khách sạn để nghỉ ngơi hoặc muốn tạm rời xa không gian làm việc tại nhà trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Cũng theo bà Wang, khách sạn sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ phòng nói trên cho đến cuối năm nay và sau đó sẽ đánh giá lại nhu cầu.

Một số chuyên gia nhận định các dịch vụ tập trung vào giấc ngủ tại khách sạn không phải là quá mới nhưng tác động của đại dịch khiến chúng được quan tâm nhiều hơn. Theo họ, đại dịch đã thay đổi nhiều thứ của cuộc sống và nhiều người nhận thấy giấc ngủ ngày càng quan trọng.

Với khách sạn, dịch vụ cải thiện giấc ngủ có thể mang lại thêm nguồn thu trong lúc chi phí không quá nhiều. Chẳng hạn, phòng “Nghỉ ngơi và hồi phục” của khách sạn Figueroa có giá khoảng 500 USD/đêm.


Hoàng Phương