Chen là một trong số 10,76 triệu sinh viên Trung Quốc dự kiến tốt nghiệp vào tháng 6 năm nay. Đây là số sinh viên tốt nghiệp cùng đợt lớn nhất lịch sử Trung Quốc và tăng 1,67 triệu người so với năm ngoái, theo Bộ Giáo dục nước này.

Rủi thay, thị trường việc làm mà họ sắp nhảy vào cũng được đánh giác là khắc nghiệt nhất trong nhiều năm qua, bởi nền kinh tế số 2 thế giới đang đối mặt nhiều bất ổn do đại dịch Covid-19, các căng thẳng địa chính trị và cuộc tái cấu trúc công nghiệp trong nước.

Cuộc đua càng thêm cạnh tranh bởi sự trở về của làn sóng du học sinh do những bất ổn trên thế giới. Giới chuyên gia nhận định áp lực tìm việc sẽ còn kéo dài dù trên thực tế có rất nhiều đầu việc không tìm được người làm.

Sinh viên dự lễ tốt nghiệp tại Trường ĐH Sư phạm Hoa Trung ở TP Vũ Hán – Trung Quốc năm 2021 Ảnh: REUTERS

Điều này phản ánh sự bất đối xứng giữa nguyện vọng của sinh viên và nhu cầu của thị trường. Dữ liệu của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc chỉ ra ngành sản xuất chiếm tỉ lệ cao nhất về nhu cầu tuyển dụng trong nước, với 38,7%, theo sau là ngành bán buôn và bán lẻ.

 Tuy nhiên, tốp ngành nghề trong mơ của sinh viên lại là thông tin liên lạc, bất động sản và xây dựng, văn hóa và truyền thông, tài chính…, theo nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng Zhaopin.com.

Hệ quả là, theo bộ trên, các ngành sản xuất từ chip công nghệ cao đến sản xuất cấp thấp đều thiếu nhân lực, thậm chí có thể thiếu đến 30 triệu lao động trong những ngành này vào năm 2025.

Một vấn đề nữa, theo tạp chí Caixin, sinh viên đang mong muốn làm việc trong lĩnh vực công nhiều hơn. Năm 2022, bình quân 68 người tranh nhau một suất trong kỳ thi tuyển công chức quốc gia, tăng vọt so với tỉ lệ “chọi” 16 lấy 1 của năm 2003.

Năm 2021, lợi nhuận ròng tại các công ty nhà nước Trung Quốc tăng tới 18,5%. Tuy nhiên, cửa vào các công ty này thường hẹp do họ ưu tiên các ứng viên nhiều kinh nghiệm hoặc có thành tích học tập nổi bật, theo Caixin


Hải Ngọc