Nếu được hồi sinh, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước lớn có thể tác động mạnh mẽ đến giá dầu khi có thêm nhiều dầu thô trở lại các thị trường quốc tế.

Trước khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận trên năm 2018 và Washington nối lại trừng phạt Tehran, Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) – sau Ả Rập Saudi và Iraq. Còn vào năm 2017, Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ 4 thế giới – sau Mỹ, Ả Rập Saudi và Nga.

Trang Bloomberg cho rằng việc hồi sinh thỏa thuận sẽ giúp đưa thêm từ 500.000 – 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Iran vào các thị trường quốc tế. Còn nhà phân tích Viktor Katona tại Công ty nghiên cứu thị trường Kpler (Bỉ) nhận định với đài CGTN rằng ngay khi toàn bộ lệnh trừng phạt của phương Tây với Iran được dỡ bỏ, trong vòng 3 tháng, Tehran có thể xuất khẩu thêm khoảng 700.000 – 800.000 thùng dầu mỗi ngày và giá dầu có thể giảm còn 80 USD/thùng, so với khoảng 100 USD/thùng hôm 31-8.

OPEC+ (liên minh giữa OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài) cũng đang chuẩn bị cho kịch bản Iran trở lại. Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman gần đây cảnh báo OPEC có thể buộc phải cắt giảm sản lượng.

Ông Tamas Varga, chuyên gia tại Công ty PVM Oil Associates (Anh), nhận định với đài CNBC rằng OPEC có thể dễ dàng sản xuất 30,5 triệu thùng dầu/ngày nếu Iran trở lại. Ông Varga cũng cho rằng nếu kịch bản này xảy ra, giá dầu thô Brent ở Anh có thể giảm còn 65 USD/thùng vào nửa cuối năm 2023.

Một cơ sở dầu tại miền Tây Nam IranẢnh: Reuters

Không gì lạ khi trang Bloomberg nhận định “một thế giới khát năng lượng đang nhìn thấy hy vọng trong các cuộc đàm phán với Iran”. Cả Iran và Mỹ gần đây đã gửi phản hồi tới Liên minh châu Âu (EU) về đề xuất mà khối này đưa ra nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).

Đây là thỏa thuận được Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Đức) ký năm 2015, theo đó hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong đó có xuất khẩu dầu thô.

Hiện chưa rõ Mỹ hào hứng đến đâu với đề xuất của EU nhưng khối này đánh giá phản hồi của Iran là “hợp lý”. Các nhà thương thảo Iran vào giữa tháng 8-2022 tỏ ra lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận.

Dù vậy, theo đài CNBC, các bên dường như vẫn còn một vài trở ngại trên con đường đi đến thỏa thuận cuối cùng. Gai góc nhất là cuộc điều tra đang được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiến hành nhằm vào các địa điểm hạt nhân chưa được công bố của Iran. Tehran muốn cuộc điều tra khép lại trước khi chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào. Các chính phủ Mỹ, châu Âu và IAEA cho đến giờ không chấp nhận điều này.

Sức ép để các bên tìm được tiếng nói chung đang ngày một tăng. Các biện pháp trừng phạt đang ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Iran và thúc đẩy Tehran tăng cường hoạt động hạt nhân. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden xem việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran là chính sách đối ngoại quan trọng.

Với châu Âu, vấn đề càng thêm khẩn cấp khi nguồn cung dầu khí từ Nga đang sụt giảm và giá năng lượng tăng cao. Giới phân tích cho rằng dầu Iran có thể giúp giảm bớt áp lực về nguồn cung đang đè nặng lên châu Âu. 

Hai thị trường lớn của Tehran

Đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran đang tiến triển, khiến dư luận quan tâm nhiều hơn đến một lượng lớn dầu thô của Iran có thể sớm đến tay người mua trong trường hợp đạt được thỏa thuận.

Trang Bloomberg dẫn nguồn tin từ Công ty nghiên cứu thị trường Kpler (Bỉ) cho biết Iran hiện có khoảng 93 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ đang được lưu trữ trên các tàu ở vịnh Ba Tư, ngoài khơi Singapore và gần Trung Quốc. Dữ liệu của Kpler cũng cho thấy lượng dầu thô và khí ngưng tụ hiện tại trong các kho chứa trên đất liền của Iran ước tính khoảng 48 triệu thùng.

Ông John Driscoll, chiến lược gia trưởng tại Công ty JTD Energy Services Pte (Singapore), nhận định Iran đã trữ được một lượng lớn dầu có thể sớm được tung ra thị trường nhưng vẫn cần ít thời gian để xử lý các vấn đề về bảo hiểm, vận chuyển và thỏa thuận mua bán hậu trừng phạt.

Theo nhà phân tích Emma Li của Công ty Vortexa (Anh), xuất khẩu dầu của Iran hiện khoảng 1 triệu thùng/ngày, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược thỏa thuận hạt nhân và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran năm 2018.

Trung Quốc đang là khách hàng lớn nhất của Iran. Trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân hồi sinh, theo ông Driscoll, Iran trước mắt có thể hướng đến việc lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại ở châu Âu, cụ thể là Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Về lâu dài, Tehran còn có thể tìm cách giành lại thị phần châu Á.

Theo số liệu của Kpler, trong năm 2017 và 2018, châu Âu tiêu thụ trung bình lần lượt 748.000 thùng và 528.000 thùng dầu thô Iran mỗi ngày. Với thị trường châu Á, 2 con số này là 1,2 triệu và gần 1 triệu thùng/ngày.

Anh Thư


Hoàng Phương