Nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan, hay còn gọi là ISIS-K, là một nhánh của nhóm khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan, từng công khai chặt đầu các nhà báo nước ngoài và có hành động tàn bạo đối với người Kurd cũng như những người khác ở Iraq và Syria.

Ông Seth G. Jones, chuyên gia chống khủng bố tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “ISIS-K có xu hướng nhắm vào những người dân mà họ xem là kẻ ngoại đạo”.

Các chuyên gia cho rằng cuộc tấn công của ISIS-K ngày 26-8 không chỉ nhằm vào người Mỹ mà còn nhằm gây rắc rối cho Taliban.

Nhiều người tập trung bên ngoài sân bay ở thủ đô Kabul hôm 25-8. Ảnh: The New York Times

Ông Raffaello Pantucci, thành viên cấp cao tại Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Bạo lực Chính trị và Khủng bố thuộc viện nghiên cứu S. Rajaratnam tại Singapore, cho biết: “Cuộc tấn công này dường như tồi tệ đối với phương Tây nhưng nó còn tạo ra cảm giác Taliban trông thể kiểm soát được tình hình. Điều đó hạ thấp Taliban!”.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế từ năm 2018, ISIS-K có từ 1.500-2.200 tay súng và đặt căn cứ ở ở phía Đông Kabul thuộc tỉnh Kunar và Nangarhar gần biên giới Pakistan.

Ông Jones cho rằng hiện vẫn chưa rõ ISIS-K có bao nhiêu tay súng bởi lực lượng này đang đối mặt hoạt động chống khủng bố tích cực của các lực lượng Mỹ và Afghanistan lẫn Taliban. Ông Pantucci cho rằng ISIS-K đã xuất hiện từ năm 2014, thời điểm IS trỗi dậy mạnh mẽ và đã phải chật vật để hiện diện trên chiến trường cũng như ở Afghanistan.

Các thành viên Taliban bên ngoài Đại sứ quán Mỹ hôm 21-8. Ảnh: The New York Times

Theo ông Jones, ISIS-K vẫn được xem là một tổ chức nước ngoài ở Afghanistan.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết nhóm ISIS-K nòng cốt ở Kunar chủ yếu bao gồm các công dân Afghanistan và Pakistan trong khi các nhóm nhỏ hơn ở Badakhshan, Kunduz và Sar-e-Pol bao gồm người dân tộc địa phương Tajiks và Uzbek.

Theo đài CNBC, các chuyên gia cho hay trong khi Taliban là một “phong trào dân túy” hầu như chỉ tập trung vào Afghanistan thì mục tiêu của ISIS-K là xây dựng một vương quốc Hồi giáo trên khắp Trung Đông và châu Á, bao gồm cả Afghanistan.

Nhiều nước tuyên bố không thể hỗ trợ sơ tán được nữa. Ảnh: EPA-EFE

Không giống Taliban, nhóm đã củng cố vị thế bằng cách giành quyền kiểm soát Afghanistan với tốc độ cực nhanh, ISIS-K đang cố khẳng định chính mình và cách để làm điều đó là phát động một “cuộc tấn công quy mô lớn”.

Ông Jones cho hay: “Liệu chúng có thể lợi dụng tình hình hiện tại ở Afghanistan để trỗi dậy hay không là một câu hỏi để ngỏ”.

Liên quan đến vụ nổ chết người hôm 26-8 bên ngoài sân bay Kabul, Taliban đã lên án vụ đánh bom nhằm vào dân thường xảy ra ở khu vực mà nhóm này cho là thuộc quyền kiểm soát của quân đội Mỹ.

Tạm dừng sơ tán

Một số quốc gia hôm 26-8 thông báo tạm dừng hoạt động sơ tán khỏi sân bay ở Kabul sau khi chính phủ các nước đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về các mối đe dọa nhằm vào đám đông tụ tập ở ngoài sân bay.

Ngay cả trước khi vụ nổ xảy ra, một số nhà lãnh đạo thế giới đã tuyên bố không thể hỗ trợ các cuộc sơ tán được nữa. Bỉ, Canada, Đan Mạch, Đức và Hà Lan đều cho rằng họ sẽ không thể tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến bay từ sân bay quốc tế Hamid Karzai.

Sau khi có cảnh báo về các vụ tấn công liều chết ở khu vực gần sân bay, Bỉ đã quyết định chấm dứt các chuyến bay sơ tán khỏi Kabul vào đêm 25-8. Các quan chức quốc phòng Hà Lan và Đan Mạch cũng cân nhắc có hành động tương tự. Trong khi đó, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng cuộc sơ tán của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi kết thúc nhiệm vụ


Xuân Mai

Chia sẻ