Hoạt động nhà máy tại Trung Quốc giảm đột ngột giữa lúc xảy ra tình trạng thiếu điện, làm dấy lên nỗi lo nhiều hơn về sức khỏe nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 30-9, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 9 là 49,6, giảm so với mức 50,1 hồi tháng 8. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 9-2020, PMI tại Trung Quốc giảm xuống dưới 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Số liệu cũng cho thấy sự sụt giảm hoạt động trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Reuters cho biết khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc diễn ra từ tháng 3-2021, ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất tại các trung tâm công nghiệp lớn. Theo phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley, các ngành sản xuất thép, nhôm, xi-măng, hóa chất, nhuộm, nội thất… đã bị ảnh hưởng ít nhiều.

“Cơn khát” điện tại Trung Quốc còn được nêu bật bởi thông tin từ Công ty Năng lượng nhà nước Inter RAO (Nga) hôm 29-9, theo đó Bắc Kinh đã đề nghị họ tăng nguồn cung điện để bù đắp sự thiếu hụt trong nước. Phát ngôn viên công ty này cho biết thêm họ đang cân nhắc tăng đáng kể nguồn cung điện nhưng không cho biết thêm chi tiết. Năm ngoái, lượng điện Inter RAO xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 1,3% còn 3,06 tỉ KWh.

Một nhà máy nhiệt điện than tại TP Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh – Trung QuốcẢnh: Reuters

Trong khi đó, cảnh xe cộ xếp hàng dài chờ đổ xăng vẫn đang diễn ra ở Anh, cùng với đó là cảnh báo tình trạng cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài cả tháng. Còn tại nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), giá diện tăng vọt trong những tuần gần đây làm gia tăng nỗi lo về một mùa đông khó khăn phía trước khi nhu cầu sưởi ấm của các hộ gia đình ngày một tăng.

Những diễn biến trên khiến không ít người lo lắng về kịch bản thiếu nhiên liệu trên toàn thế giới. Theo phân tích của Reuters, những lý do chính đằng sau cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc, Anh và EU là nhu cầu năng lượng đã hồi phục sau khi xuống thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục hạn chế và hoạt động phân phối còn nhiều khó khăn.

Dù vậy, những cuộc khủng hoảng trên cũng có một số điểm khác biệt, qua đó cho thấy chúng liên quan nhiều đến chuyện lựa chọn chính sách hơn là phản ánh sự thiếu hụt của nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Tại Trung Quốc, theo đài Al Jazeera, yếu tố hàng đầu là tình trạng thiếu nguồn cung than đá khiến giá điện tăng cao. Giá điện do nhà nước điều tiết và cho dù giá than đá tăng kỷ lục, các nhà máy điện cũng không được tăng giá bán cho người dân và doanh nghiệp.

Thực trạng này khiến một số nhà máy điện thua lỗ và họ không muốn nâng sản lượng để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Hôm 29-9, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc thông báo đồng ý cho các nhà máy tăng giá điện nhưng chưa rõ mức tăng cụ thể.

Một trong những rắc rối ở Anh là thiếu tài xế xe bồn vận chuyển nhiên liệu từ cơ sở lưu trữ đến trạm xăng. Khi Anh chính thức rời EU, nước này đã thắt chặt quy định nhập cư để công dân EU không còn được làm việc miễn thị thực tại Anh.

Vấn đề là nhiều tài xế xe tải làm việc ở Anh đến từ các nước châu Âu khác, dẫn đến tình trạng thiếu hụt như hiện nay. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson trước mắt đã cấp thị thực tạm thời cho hàng ngàn tài xế nước ngoài và hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường trước dịp lễ cuối năm.

Còn với EU, lý do giá điện tăng đến từ một số yếu tố, như nguồn cung khí đốt thiếu hụt, sản lượng điện mặt trời và điện gió thấp, các nhà máy điện hạt nhân tạm ngưng hoạt động để bảo trì… Theo Reuters, tình hình có thể bớt căng thẳng hơn một khi các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại và đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức đi vào hoạt động. 

OPEC+ và bài toán sản lượng dầu

Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất bên ngoài dự kiến họp trực tuyến ngày 4-10 để thảo luận về sản lượng dầu khai thác cho tháng 11. Theo Reuters, liên minh được gọi là OPEC+ này nhiều khả năng vẫn duy trì mức tăng như thỏa thuận đã đạt được bất chấp khủng hoảng năng lượng đang xảy ra tại nhiều nơi.

Hồi tháng 7, OPEC+ nhất trí tăng sản lượng khai thác lên thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng và sẽ đánh giá lại thỏa thuận này vào tháng 12 tới. Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban kỹ thuật chung (JTC) OPEC+ hôm 29-9, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho rằng thỏa thuận nói trên vẫn đang giúp thị trường dầu mỏ cân bằng. Tại cuộc họp vào đầu tuần tới, các bộ trưởng OPEC+ sẽ xem xét đánh giá của JTC về thị trường dầu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Quyết định của OPEC+ sẽ được theo dõi sát sao, nhất là khi giá dầu thô Brent ở Anh có lúc vượt 80 USD/thùng vào đầu tuần này, mức cao chưa từng thấy trong 3 năm trở lại đây. Nhà Trắng trong một tuyên bố hôm 28-9 biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang bàn bạc với OPEC và các đối tác quốc tế khác về giải pháp cho tình trạng giá dầu tăng cao.

Một số chuyên gia nhận định việc bơm thêm 400.000 thùng dầu/ngày vào thị trường của OPEC+ là không đủ để đáp ứng nhu cầu đang tăng, từ đó đẩy giá dầu lên cao hơn nữa, đe dọa đến nỗ lực phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) vào cuối tuần rồi dự báo giá dầu thô Brent thậm chí có thể tăng lên mức 90 USD/thùng vào cuối năm nay.

Cao Lực


Hoàng Phương

Chia sẻ