Tính đến hôm 16-6, Trung Quốc đã tiêm hơn 945 triệu liều, gấp 3 lần số liều được tiêm ở Mỹ và chiếm gần 40% trong tổng số 2,5 tỉ liều trên toàn cầu.

Con số trên càng ấn tượng hơn khi Trung Quốc bắt đầu chương trình tiêm chủng chậm. Hôm 27-3, Trung Quốc tiêm được 1 triệu liều đầu tiên sau khi khởi động chiến dịch tiêm chủng sau Mỹ hai tuần. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng đã tăng mạnh trong tháng 5 khi Trung Quốc tiêm hơn 500 triệu liều trong tháng đó, theo dữ liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.

Chỉ tính riêng ngày 15-6, Trung Quốc tiêm trên 20 triệu liều. Với tốc độ như vậy, Trung Quốc sẽ vượt mốc 1 tỉ liều vào cuối tuần này.

Trung Quốc đẩy mạnh tiêm phòng toàn dân. Ảnh: Chen Shichuan

Các vụ bê bối an toàn liên quan đến vắc-xin trước đây khiến người dân do dự tiêm phòng. Nhưng một số đợt bùng phát dịch Covid-19 ở địa phương gần đây, bao gồm các tỉnh An Huy, Liêu Ninh và Quảng Đông, khiến người dân đổ xô đi tiêm phòng ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Với những ai còn chần chừ, Trung Quốc có cách tiếp cận từ trên xuống để khuyến khích người dân tiêm chủng. Trung Quốc thực hiện chiến dịch tổng lực “tiêm cho tất cả những ai có thể tiêm” khắp đất nước, từ thành phố lớn tới làng mạc. Tại các công ty nhà nước, ban lãnh đạo thúc giục nhân viên đi tiêm bằng cách hình thức khuyến khích như phát phiếu mua hàng.

Tuy nhiên, hoạt động tiêm phòng chưa được phân bố đồng đều. Trong tuần đầu tiên của tháng 6, các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải lần lượt đã tiêm chủng đầy đủ cho gần 70% và 50% dân số. Nhưng tỉ lệ này ở các tỉnh Quảng Đông và Sơn Đông vẫn dưới mức 20%, theo hãng tin Reuters.

Ông Zhong Nanshan, nhà dịch tễ học hàng đầu và là cố vấn chính phủ, cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số vào cuối tháng và tăng gấp đôi vào cuối năm.

Do dân số đông nên số liều/100 dân ở Trung Quốc vẫn thấp hơn các nước như Mỹ và Anh. Nhưng nếu tốc độ vẫn được duy trì như hiện nay, Trung Quốc sẽ sớm đuổi kịp.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18-6 cho biết nhiều nước nghèo đã phải hoãn chương trình tiêm chủng do thiếu vắc-xin.

Chuyên gia của WHO cho biết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi vấn đề này trải rộng khắp lục địa Ấn Độ, châu Phi Hạ Sahara, Mỹ Latin và Trung Đông. Các quốc gia xung quanh Ấn Độ, như Nepal và Sri Lanka, đã bị ảnh hưởng nặng nề và đối mặt với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng. Ở châu Phi, chỉ khoảng 1% dân số được tiêm chủng đầy đủ, theo số liệu của WHO.


Xuân Mai

Chia sẻ