Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun nói với Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 26-2 rằng ông đang phát biểu thay mặt chính quyền của bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi cơ quan này sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại quân đội Myanmar, đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân.

Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun phát biểu trong cuộc họp. Ảnh: Reuters

Đại sứ Kyaw Moe Tun khẩn thiết kêu gọi trong xúc động: “Chúng ta cần những hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn đàn áp người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho người dân và khôi phục nền dân chủ”.

Những người phản đối cuộc đảo chính ca ngợi ông Kyaw Moe Tun như người hùng và tràn ngập những thông điệp cảm ơn trên mạng xã hội.

Người dân Myanmar xuống đường biểu tình phản đối cuộc đảo chính hôm 26-2. Ảnh: NYTimes

Phản ứng trong cuộc họp, Đại sứ Trung Quốc không chỉ trích cuộc đảo chính và cho rằng đó là “chuyện nội bộ” của Myanmar. Trong khi đó, Đại sứ Singapore cho rằng bạo lực đối với dân thường không có vũ khí là không thể bào chữa được.

Quốc gia Đông Nam Á này rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội nắm quyền vào ngày 1-2, bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo trong đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ () với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.

Cuộc đảo chính đã thúc đẩy hàng trăm ngàn người biểu tình xuống đường ở Myanmar và khiến nhiều quốc gia phương Tây lên án cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt. Nhiều cuộc biểu tình được lên kế hoạch trong ngày 27-2 và cảnh sát đã có mặt tại các khu vực của TP Yangon.

Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar khẳng định các lực lượng chức năng đã sử dụng vũ lực tối thiểu nhưng đã có ít nhất 3 người biểu tình thiệt mạng. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Myanmar, ít nhất 771 người đang bị giam giữ hoặc có các cáo buộc chưa được xử lý kể từ sau cuộc đảo chính.

Những người biểu tình đã xuống đường mỗi ngày trong hơn 3 tuần qua yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi, 75 tuổi, và công nhận kết quả của cuộc bầu cử hồi năm ngoái.

Trong khi đó, thông tin về nơi ở của bà Suu Kyi càng gây lo ngại hôm 26-2 khi trang Myanmar Now dẫn lời các quan chức trong đảng cho biết bà đã bị chuyển nơi quản thúc sang một địa điểm bí mật khác. Luật sư Khin Maung Zaw đại diện cho bà Suu Kyi nói với hãng tin Reuters rằng ông đã nghe điều tương tự từ các quan chức nhưng không thể xác nhận.

Luật sư này cho hay ông không được tiếp cận với bà Suu Kyi trước phiên điều trần tiếp theo dự kiến vào ngày 1-3: “Tôi lo ngại về việc mất quyền tiếp cận công lý và tiếp cận với cố vấn pháp lý”.


Xuân Mai

Chia sẻ