“Mục tiêu của chúng tôi không phải là thổi bùng căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Nhưng trên hết, chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích kinh tế và điều này đồng nghĩa triển khai mọi nước đi cần thiết để bảo vệ bản thân trước làn sóng thiệt hại đến từ tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng suốt nhiều năm” – bà Tai tuyên bố, theo CNBC.

Cũng trong tuyên bố này, bà Tai xác nhận chính quyền Tổng thống Joe Biden tin Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Trong khuôn khổ của thỏa thuận này, được ký hồi tháng 1-2020 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, Bắc Kinh cam kết mua thêm ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong giai đoạn 2020-2021, so với thời điểm 2017.

Tuy nhiên, theo dữ liệu xuất khẩu Mỹ của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), Bắc Kinh chỉ mới thực hiện được 62% mục tiêu này. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào cuối năm 2021.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Ảnh: Reuters

Bà Tai cho biết thêm bà đang nóng lòng dẫn đầu phái đoàn đàm phán với Trung Quốc, kể cả khi Bắc Kinh dường như không mặn mà với chuyện cải thiện quan hệ song phương.

“Quả thực, khi chưa đàm phán với Bắc Kinh, tôi không biết liệu tôi có thể tin tưởng Bắc Kinh hay không. Chúng tôi không biết mình có thể đạt được gì cho đến khi vào việc” – bà Tai nhận định.

Tuần rồi, bà Tai cùng Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Ngoại trưởng Antony Blinken của Mỹ đã gặp giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại lễ khánh thành Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU.

Xuyên suốt cuộc gặp này, 2 phía đã thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác thương mại và công nghệ để cạnh tranh hiệu quả hơn với Bắc Kinh.

“Mỹ hoạt động hiệu quả nhất khi hợp tác với đồng minh. Nếu chúng ta thực sự muốn làm chậm tốc độ đổi mới của Trung Quốc, chúng ta phải phối hợp với châu Âu” – bà Raimondo khẳng định.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Ảnh: Reuters

Mỹ lo ngại hoạt động quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 4-10, Thư ký báo chí Jen Psaki bày tỏ sự lo ngại đối với hoạt động quân sự “khiêu khích” của Trung Quốc gần Đài Loan. Theo bà Psaki, những nước đi của Bắc Kinh đang làm gia tăng rủi ro tính toán sai lầm và đe dọa ổn định cũng như hòa bình của khu vực.

“Chúng tôi hối thúc Bắc Kinh ngừng đe dọa và gây sức ép về mặt quân sự, kinh tế lẫn ngoại giao đối với Đài Loan” – bà Psaki nói.


Cao Lực

Chia sẻ