Kinh nghiệm thành công khi chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) lần đầu đang được Việt Nam nhanh chóng áp dụng ngay khi các ca nhiễm mới trong cộng đồng quay trở lại.

Theo quan sát của hãng tin Bloomberg, lực lượng chức năng đã áp dụng biện pháp cách ly nghiêm ngặt đối với hàng ngàn người có thể bị phơi nhiễm tại TP Đà Nẵng, nơi ghi nhận hầu hết các ca nhiễm mới, đồng thời thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn nhập cảnh trái phép.

Trước nguy cơ dịch Covid-19 lan sang các thành phố khác như Hà Nội và TP HCM, Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu hoãn các sự kiện tụ tập đông người và đóng cửa các quán bar, vũ trường… Song song đó, Bộ Y tế Việt Nam thường xuyên gửi tin nhắn khuyến cáo phòng dịch đến người dân cả nước, nhắc nhở các biện pháp quen thuộc như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên…

Hãng tin Reuters nhắc lại từ trước khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cơ quan chức năng triển khai kế hoạch đối phó toàn diện. Nhờ đó, Việt Nam là quốc gia đông dân nhất thế giới không ghi nhận ca tử vong nào tính đến thời điểm này bất chấp thực tế giáp biên với Trung Quốc, nơi bùng phát dịch đầu tiên trên thế giới. Tính đến hết ngày 30-7, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 464 ca mắc Covid-19.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm một phụ nữ vừa trở về sau chuyến du lịch Đà Nẵng tại trung tâm xét nghiệm nhanh ở ngoại ô thủ đô Hà Nội hôm 30-7 Ảnh: REUTERS

Truyền thông nước ngoài đánh giá chìa khóa thành công bước đầu của Việt Nam là nhanh chóng xét nghiệm người nghi nhiễm, cách ly bệnh nhân, tích cực theo dõi và cách ly những người tiếp xúc với các ca dương tính trong 14 ngày. TS Matthew Moore, Giám đốc Chương trình An ninh Y tế toàn cầu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam, nhấn mạnh hết lần này đến lần khác, Việt Nam đều ngăn chặn được các chuỗi lây nhiễm, một phần quan trọng nhờ chính phủ cung cấp thông tin nhất quán, minh bạch đến người dân.

Trong khi đó, toàn thế giới vẫn đang vất vả đối phó với dịch Covid-19. Là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hiện ở Mỹ cứ mỗi phút lại có một người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên hơn 150.000 ca hôm 29-7, cao nhất thế giới.

Cũng trong ngày 29-7 (giờ địa phương), Mỹ ghi nhận 1.485 ca tử vong – mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ mức 1.484 ca vào ngày 27-5. Bang Texas đứng đầu nước Mỹ về số ca tử vong với gần 4.300 ca trong tháng này, theo sau là bang Florida (2.900 ca) và California (2.700 ca). Các ca nhiễm mới tăng mạnh ở các bang Arizona, California, Florida và Texas, nâng tổng ca nhiễm tại Mỹ lên hơn 4,5 triệu, buộc chính quyền các bang đảo ngược chính sách mở cửa kinh tế trở lại. Đứng sau Mỹ, Brazil ghi nhận tổng số ca nhiễm hơn 2,5 triệu và tổng số ca tử vong là hơn 90.000.

Đáng chú ý, số ca nhiễm mới bất ngờ bùng phát trở lại ở châu Á. Theo Reuters, Úc và Ấn Độ hôm 30-7 ghi nhận số ca nhiễm trong một ngày cao kỷ lục. Úc vừa chứng kiến ngày chết chóc nhất vì dịch Covid-19 với 13 ca tử vong và hơn 700 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lần lượt là 189 và 16.298.

Trong khi đó, tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ đã lên đến 1,6 triệu sau khi có thêm 52.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. “Cơn ác mộng Covid-19” khiến hơn 17 triệu người nhiễm trên toàn cầu cũng quay lại Trung Quốc. Nền kinh tế thứ hai thế giới hôm 30-7 công bố số trường hợp nhiễm mới là 105, nâng tổng số ca nhiễm lên 84.165. 


XUÂN MAI

Chia sẻ