Nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt thêm thử thách sau khi các nhóm cứu hộ của Đức và Áo hôm 11-2 tạm dừng hoạt động này vì lo ngại về tình hình an ninh.

Người phát ngôn của Tổ chức Tìm kiếm và cứu nạn quốc tế Đức (ISAR) Stefan Heine cho biết: “Ngày càng có nhiều báo cáo về đụng độ giữa các phe phái khác nhau”. ISAR và Cơ quan Cứu trợ kỹ thuật liên bang Đức (THW) cho biết họ sẽ tiếp tục công việc ngay khi tình hình được Cơ quan Xử lý khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá là an toàn.

Theo Giám đốc điều hành ISAR Steven Bayer, vài ngày sau khi thảm họa xảy ra, tình hình an ninh thường xấu dần đi, một phần do nguồn cung thực phẩm và nước đang cạn kiệt. Một lý do khác là hy vọng mà mọi người có đang ngày càng tắt dần và hy vọng này có thể biến thành sự tức giận.

Xe chở hàng cứu trợ từ Ả Rập Saudi tại một cửa khẩu ở TP Afrin – Syria hôm 11-2 Ảnh: REUTERS

Trước đó, theo phát ngôn viên quân đội Áo, một vụ đụng độ giữa các nhóm không rõ danh tính tại tỉnh Hatay khiến hàng chục thành viên của Đơn vị Cứu trợ thảm họa lực lượng Áo (AFDRU) phải tìm nơi trú ẩn và AFDRU phải tạm dừng hoạt động trong vài giờ. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Áo Michael Bauer cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp và bảo vệ để AFDRU tiếp tục hoạt động cứu hộ.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không xác nhận thông tin xảy ra đụng độ tại khu vực bị động đất tàn phá. Thay vào đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 11-2 chỉ nói đến tình hình an ninh chung. Ông cho biết đã xảy ra một số vụ cướp bóc, đồng thời cảnh báo sẽ sử dụng quyền hạn khẩn cấp để trừng phạt người phạm luật.

Trong lúc hoạt động cứu hộ gặp trở ngại, con số người thiệt mạng trong thảm họa đã vượt qua 29.000 hôm 12-2. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết con số tử vong tại nước này ít nhất là 24.617 người, còn tại Syria là 4.500 người. Tuy nhiên, giới chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) dự báo con số này có thể cao hơn nhiều.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động tìm kiếm, cứu hộ vẫn tiếp tục hôm 12-2, tức 6 ngày kể từ khi xảy ra động đất. Tuy nhiên, tại Tây Bắc Syria, sự quan tâm đã chuyển sang hoạt động tìm kiếm thi thể nạn nhân và giúp đỡ người không còn nơi trú ngụ. LHQ cho biết ít nhất 870.000 người cần được hỗ trợ khẩn cấp bữa ăn nóng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 11-2 kêu gọi hỗ trợ 42,8 triệu USD để đáp ứng nhu cầu y tế trước mắt trong bối cảnh gần 26 triệu người bị ảnh hưởng bởi động đất. WHO cũng ước tính khoảng 15 bệnh viện bị hư hại sau thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11-2 thông báo tiến hành điều tra nghi vấn có sai phạm hoặc sơ suất, dẫn đến các tòa nhà có nguy cơ dễ sụp đổ trong động đất. Truyền thông địa phương đưa tin nhà chức trách nước này đã bắt giữ ít nhất 14 người vì cáo buộc “sơ suất trong xây dựng”. Khoảng 4.000 tòa nhà đã sụp đổ trong thảm họa động đất tại nước này. 

Đoàn Việt Nam phối hợp giải cứu thiếu niên 14 tuổi

Ngày 12-2, đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (C07 – Bộ Công an) cho biết ngay trong ngày đầu tiên thực hiện cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ (hôm 11-2), Đội Cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an đã phát hiện và phối hợp với lực lượng quốc tế giải cứu một nạn nhân 14 tuổi trong đống đổ nát.

Theo đó, ngay từ ngày 11-2, khi bắt tay vào công tác cứu hộ tại một tòa nhà đổ sập ở TP Adıyaman, tổ công tác đã sử dụng các thiết bị cơ giới như máy xúc, máy đào để tìm kiếm các nạn nhân. Cùng với đó, đoàn đã sử dụng camera dò tìm, phát hiện bằng hình ảnh, âm thanh và đã phát hiện dấu hiệu của sự sống với hai âm thanh khác nhau trong khu vực sập đổ.

Sau đó, đoàn Việt Nam phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Pakistan phá dỡ sâu vào bên trong xác nhận nơi phát ra âm thanh. Đến khoảng 22 giờ 10 phút ngày 11-2 (giờ địa phương), tiến vào theo hướng hông nhà, Đội Cứu nạn, cứu hộ Pakistan đã đưa được một nạn nhân khoảng 14 tuổi ra khỏi đống đổ nát.

“Lúc đó, cảm xúc vui mừng của người nhà nạn nhân và các lực lượng quốc tế tham gia cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường vỡ òa. Ngay sau đó, Đội trưởng Đội Cứu nạn, cứu hộ Pakistan đã đến gặp đại tá Nguyễn Minh Khương, trưởng đoàn, để cảm ơn đoàn công tác của Việt Nam đã phối hợp hiệu quả, phát hiện nạn nhân, dọn dẹp hiện trường để họ có thể thực hiện công việc cuối cùng là đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm an toàn” – đại diện C07 nói.

Lực lượng cứu hộ Việt Nam nỗ lực tìm kiếm nạn nhân Ảnh: MINH HUYỀN

Trong ngày 12-2, công tác cứu nạn, cứu hộ của C07 tại Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến được thực hiện xuyên đêm. Tuy nhiên, đến 1 giờ (giờ địa phương), đoàn đã phải tạm dừng do có dư chấn động đất ảnh hưởng đến công tác cứu nạn, cứu hộ. Công việc đã được tiếp diễn vào sáng sớm cùng ngày.

Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) chiều 12-2, thực hiện nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng chỉ đạo, Lữ đoàn Vận tải 971 thuộc Cục Vận tải đã vận chuyển, tập kết toàn bộ 35 tấn vật chất hậu cần bảo đảm cho lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Toàn bộ số vật chất hậu cần nói trên đã được tập kết tại sân bay Nội Bài để vận chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ bằng một chuyến bay riêng.

Theo kế hoạch, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – ra sân bay Nội Bài động viên và tiễn đoàn công tác gồm 76 quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.

Ng.Hưởng


Anh Thư – Phạm Nghĩa