Đó là một phần nội dung trong cuộc điện đàm thượng đỉnh Mỹ – Trung đầu tiên kể từ khi Nhà Trắng đổi chủ. Cuộc điện đàm diễn ra vào tối 10-2 theo giờ Mỹ, buổi sáng theo giờ Bắc Kinh.

Theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng, Tổng thống Biden mở đầu cuộc điện đàm bằng lời chúc lành người dân Trung Quốc nhân dịp Tết Nguyên đán. Sau đó, ông Biden đi thẳng vào những vấn đề mà Mỹ quan tâm. Hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung đề cập đến dịch Covid-19, tình hình biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí.

Ông Biden cho biết trong nhiệm kỳ của mình, ông ưu tiên bảo vệ an ninh, sự thịnh vượng và sức khỏe cho người dân Mỹ, cũng như bảo đảm “một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh các quan ngại về cách Bắc Kinh xử lý vấn đề Hồng Kông và Tân Cương, cũng như việc Trung Quốc có thái độ và hành vi ngày càng cứng rắn hơn ở khu vực, bao gồm Đài Loan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm đầu tiên. Ảnh: Xinhua, Bloomberg

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc điện đàm, ông Tập nói với ông Biden rằng đối đầu sẽ là “thảm họa” và hai bên nên thiết lập lại các phương tiện để tránh đánh giá sai lầm.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc duy trì một quan điểm cứng rắn đối với Hồng Kông, Tân Cương và Đài Loan, mà ông Tập nói với ông Biden rằng đó là các vấn đề “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” mà ông hy vọng Washington sẽ tiếp cận thận trọng.

Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Biden đã nói rõ rằng họ sẽ tiếp tục duy trì sức ép đối với Trung Quốc, mặc dù họ cũng cam kết có cách tiếp cận đa phương hơn.

Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden nói với các phóng viên trước cuộc điện đàm rằng ông Biden sẽ “thực tế, cứng rắn, sáng suốt” trong các giao dịch với ông Tập. Song song đó, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn muốn đảm bảo họ có quan hệ cởi mở, bất chấp Mỹ lo ngại về hành vi của Trung Quốc.

Quan chức này cho biết cuộc điện đàm diễn ra vào thời điểm mà Mỹ tin rằng họ đang ở một vị thế mạnh mẽ, sau khi đã tham vấn với các đồng minh và đối tác để nêu ra những lo ngại cốt lõi về “các hoạt động gây hấn và lạm dụng” của Trung Quốc.

Sẽ không có động thái nhanh chóng để dỡ bỏ thuế quan thương mại của chính quyền Trump trước đây đối với hàng hoá Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Cũng theo quan chức này, trong những tháng tới, chính quyền Biden sẽ xem xét việc bổ sung “các hạn chế có mục tiêu mới” đối với một số mặt hàng công nghệ nhạy cảm xuất khẩu sang Trung Quốc với sự hợp tác của các đồng minh và đối tác.

Ông cũng cho biết sẽ không có động thái nhanh chóng để dỡ bỏ thuế quan thương mại của chính quyền Trump trước đây đối với hàng hoá Trung Quốc, nhưng Tổng thống Biden sẽ tham vấn nhiều hơn với các đồng minh về cách đối phó với vấn đề mất cân bằng thương mại với Bắc Kinh.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc điện đàm không thể làm sáng tỏ nhiều vấn đề hóc búa đã khiến quan hệ giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Giáo sư Sử Ngân Hồng, khoa Quan hệ quốc tế Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, cho biết Mỹ đã chạm vào tất cả các lĩnh vực mà Trung Quốc coi là “điểm mấu chốt”. “Tất nhiên việc nối lại các cuộc trao đổi chắc chắn là tốt, nhưng phần lớn cuộc trò chuyện là đối đầu gay gắt, mặc dù lịch thiệp hơn dưới thời ông Trump” – ông Sử nói thêm.

Ông Thôi Lỗi thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc (CIIS) cho rằng cuộc điện đàm không báo hiệu về sự tăng cường quan hệ song phương.


Huệ Bình

Chia sẻ