Hợp tác cung ứng vắc-xin Covid-19 trên thế giới nói chung và ở Ấn Độ – Thái Bình Dương nói riêng là một trong những chủ đề bàn luận quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Thủ tướng Úc Scott Morrison.

Trong “Bộ tứ” hiện diện 2 nước sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới là Mỹ và Ấn Độ và tại hội nghị trực tuyến toàn cầu về Covid-19 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua, Tổng thống Joe Biden cam kết mua thêm 500 triệu liều vắc-xin của Pfizer để chia sẻ lại cho các nước thu nhập thấp và trung bình.

Song song đó, thượng đỉnh “Bộ tứ” là cơ hội để Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông: Xoay trục nhiều hơn sang Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 23-9, trước thềm thượng đỉnh “Bộ tứ” Ảnh: REUTERS

Trước hội nghị, chính phủ hai nước Nhật Bản và Ấn Độ đã hoan nghênh tuyên bố thành lập Hiệp ước an ninh AUKUS (Mỹ – Anh – Úc) cách đây hơn 1 tuần, đồng thời ủng hộ Úc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ.

Trái lại, động thái vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc. Theo Reuters, Trung Quốc đã lên án “Bộ tứ” là một khái niệm về “Chiến tranh lạnh” và cho rằng liên minh AUKUS sẽ thúc đẩy chạy đua vũ trang trong khu vực.

Sự kiện “lịch sử” hôm 24-9 diễn ra vào thời điểm chính sách của Mỹ ở châu Á đang thay đổi mạnh mẽ. Vì thế, một số chuyên gia nhận định việc nhóm “Bộ tứ” chọn làm gì sắp tới càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

Ông Malcolm Davis, nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định kể từ thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, “Bộ tứ” đã phát triển từ diễn đàn đối thoại kinh tế và chính trị cấp thấp đến vai trò nòng cốt ở châu Á – Thái Bình Dương.

Theo ông Ben Scott, Giám đốc dự án An ninh và trật tự dựa trên quy tắc của Úc tại Viện Lowy ở Sydney, điều quan trọng đối với Mỹ hiện nay là thông qua “Bộ tứ” để tập trung vào các thỏa thuận tích cực và bao trùm ở khu vực nếu muốn đối phó hiệu quả với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong các tuyên bố công khai của “Bộ tứ” cho đến nay vẫn tránh đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.

Trước đó, trong cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày 23-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ sớm đưa ra chiến lược toàn diện mới cho Ấn Độ – Thái Bình Dương, được xây dựng trên tầm nhìn chung của các bên về một khu vực tự do, rộng mở, kết nối, có sức bật và vững chắc.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, chiến lược trên phản ánh tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng như vai trò đáng kể của ASEAN trong việc quyết định tương lai khu vực.


Xuân Mai

Chia sẻ