Rút ngắn thời gian di chuyển đồng thời hành khách được ngắm nhìn những khung cảnh nghẹt thở của hành tinh là những ưu điểm lớn giúp những chuyến bay siêu thanh nhận được những cơ hội đầu tư lớn.

Đài CNN dẫn nghiên cứu hồi năm ngoái của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy lĩnh vực thương mại vận tải siêu thanh rất có tiềm năng, đặc biệt là trên những tuyến đường xuyên đại dương như New York (Mỹ) – London (Anh), Miami (Mỹ) – Sao Paulo (Brazil), New York (Mỹ) – Paris (Pháp), Sydney (Úc) – Singapore…

Nghiên cứu trên thống kê tổng cộng 90 tuyến đường xuyên đại dương như vậy, với 2,25 triệu hành khách hằng năm và doanh thu hứa hẹn lên đến 16,5 tỉ USD. Một nghiên cứu khác cũng của NASA chỉ ra có hơn 300 cặp thành phố như trên có thể hỗ trợ lĩnh vực giao thông tốc độ cao.

Hầm gió siêu thanh JF-12 trong giai đoạn thử nghiệm tại Bắc Kinh – Trung Quốc Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Với tiềm năng sinh lợi như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc tăng cường nhiều nguồn lực và cơ sở vật chất để thúc đẩy các dự án máy bay không gian. Tháng 3-2018, Trung Quốc tiết lộ đang xây dựng đường hầm gió siêu thanh dài 265 m, có thể được sử dụng để thử nghiệm các nguyên mẫu máy bay siêu thanh với tốc độ lên đến Mach 25 (30.625 km/giờ).

Hiện Công ty Vận tải Không gian có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh (tên ở Trung Quốc là Lingkong Tianxing) đang phát triển phương tiện chở khách với tốc độ 1,6 km/giây – gấp đôi tốc độ của máy bay siêu thanh Concorde, ôm mộng đi từ Thượng Hải đến New York trong vài giờ.

Tháng 8-2021, dự án này thu được khoảng 47 triệu USD tài trợ ban đầu, đến từ quỹ đầu tư do 2 công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc Matrix Partners China và Shanghai Guosheng Group đứng đầu.

Trong đoạn phim minh họa do Công ty Vận tải Không gian tung ra, hành khách bước lên một máy bay không gian 12 chỗ ngồi mà không cần đội mũ bảo hộ hay trang phục không gian. Chiếc máy bay sau đó phóng lên trời theo phương thẳng đứng. Không dừng lại ở vận chuyển hành khách, công ty này còn có kế hoạch bay thử nghiệm trong mảng du lịch không gian vào năm 2025.

Tuy nhiên, với du lịch không gian, Trung Quốc chậm chân hơn đối thủ Mỹ. Tàu vũ trụ Polaris Dawn thuộc Công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk sẽ bay vào không gian cuối năm nay từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở bang Florida (Mỹ).

Tàu vũ trụ này dành tối đa 5 ngày trên quỹ đạo, trong thời gian đó phi hành đoàn thử nghiệm chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên theo mô hình thương mại. Chương trình lần này là một bước đệm cho việc cung cấp các dịch vụ thương mại đi kèm các sứ mệnh hướng tới mặt trăng, sao Hỏa và nhiều thiên thể khác trong tương lai.

Theo phân tích gần đây của Công ty Emergen Research, doanh thu từ thị trường du lịch vũ trụ toàn cầu dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 16,8%. Quy mô thị trường ước tính tăng từ 423,7 triệu USD vào năm 2020 lên 1,44 tỉ USD vào năm 2028.


Huệ Bình