Cách đây 63 năm, Liên Xô đã đưa vệ tinh đầu tiên lên vũ trụ và lần đầu đưa con người lên quỹ đạo 4 năm sau đó. Tuy bị Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vượt mặt trong cuộc đua không gian, Nga vẫn là một cường quốc trong không gian đáng tin cậy, cùng với Mỹ xây dựng và vận hành Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) trong 2 thập kỷ qua.

Đằng sau cái bắt tay

Giờ đây, tương lai của chương trình vũ trụ Nga phụ thuộc vào một cường quốc không gian mới – Trung Quốc. Sau nhiều năm hứa hẹn và hợp tác hạn chế, Nga và Trung Quốc đã bắt đầu vạch ra kế hoạch đầy tham vọng cho các sứ mệnh cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và các đối tác của nền kinh tế số 1 thế giới, mở ra kỷ nguyên cạnh tranh không gian khốc liệt chẳng kém giai đoạn đầu.

Trung Quốc và Nga đang hợp tác thực hiện sứ mệnh robot đến một tiểu hành tinh vào năm 2024. Hai nước cũng đang phối hợp trong một loạt sứ mệnh trên mặt trăng nhằm xây dựng một cơ sở nghiên cứu lâu dài ở vùng cực Nam của mặt trăng vào năm 2030.

Để bắt đầu nhiệm vụ đầu tiên của loạt sứ mệnh trên, một tàu vũ trụ của Nga dự kiến phóng vào tháng 10 tới, nhằm xác định vị trí băng có thể cung cấp nguồn nước cho các chuyến du hành của con người trong tương lai. Ông Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Carnegie Moscow (Nga), cho biết: “Trung Quốc có chương trình đầy tham vọng, có các nguồn lực phù hợp để thực hiện. Ở chiều ngược lại, Nga cần một đối tác”.

Mối quan hệ đối tác mới giữa Nga và Trung Quốc cũng đã phản ánh bối cảnh địa chính trị của thế giới hiện nay. Liên minh Trung – Nga, dù không chính thức, đang chống lại cái mà họ gọi là sự bá quyền của Mỹ. Không gian đã trở thành lĩnh vực hợp tác mới trong bối cảnh quan hệ của hai nước này với Mỹ ngày càng xấu đi. Các quan chức Nga cũng ngụ ý rằng họ có thể rút khỏi ISS sau khi thỏa thuận hiện tại với các đối tác kết thúc vào năm 2024.

Theo tờ The New York Times (Mỹ), Nga đã viện dẫn nhiều lý do nhưng chính trị dường như là một phần nguyên nhân. Tuần trước, Giám đốc cơ quan vũ trụ của Nga Dmitri O. Rogozin cho biết Nga sẽ ngừng hợp tác nếu Mỹ duy trì các lệnh trừng phạt vốn ảnh hưởng đến chương trình không gian của nước này.

Tên lửa mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-12 được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền thuộc tỉnh Cam Túc – Trung Quốc hôm 17-6 Ảnh: Reuters

Chiếm thế độc tôn

Hôm 17-6, Trung Quốc phóng thành công tàu Thần Châu-12 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, đưa 3 phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Thiên Cung. Thành công này đánh dấu một bước tiến lớn trong cuộc đua chinh phục không gian của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện thành công sứ mệnh đưa người lên vũ trụ kể từ năm 2016 và là sứ mệnh dài nhất, khoảng 3 tháng. Các nhiệm vụ trước đây chỉ kéo dài tối đa 1 tháng.

Theo kế hoạch, phi hành đoàn Trung Quốc sẽ thực hiện các thí nghiệm khoa học, bảo trì, đi bộ ngoài không gian và tiến hành các bước chuẩn bị cho trạm không gian tiếp nhận thêm 2 mô-đun vào năm tới. Trước đó, hồi tháng 4, Trung Quốc đã phóng thành công mô-đun lõi Thiên Hòa, nơi các phi hành gia sống và kiểm soát toàn bộ trạm từ bên trong. Một tháng sau đó, Trung Quốc tiếp tục phóng thêm tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu-2 mang theo thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu khác cho các phi hành gia trên trạm vũ trụ này. Dự kiến đến năm 2022, Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng và đưa vào vận hành Trạm Vũ trụ Thiên Cung nặng 100 tấn và có không gian tối đa cho 3 nhà khoa học làm việc lâu dài.

Với vụ phóng thành công hôm 17-6, Trung Quốc đến nay đã đưa 14 phi hành gia vào không gian kể từ lần đầu tiên đạt được kỳ tích vào năm 2003, trở thành quốc gia thứ 3 sau Liên Xô cũ và Mỹ làm được điều này. Ông Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard Smithsonian ở Mỹ, cho rằng vụ phóng tên lửa dường như diễn ra suôn sẻ và lưu ý rằng khả năng của Trung Quốc đã tiến bộ hơn nhiều so với các chuyến bay đưa con người vào không gian trước đây.

Theo tờ The Guardian (Anh), luật pháp Mỹ cấm NASA hợp tác với các phi hành gia Trung Quốc vì nguy cơ gián điệp, điều đó đồng nghĩa với việc chưa có bất kỳ người Trung Quốc nào lên ISS – dự án hợp tác giữa Mỹ, Nga, Canada, châu Âu và Nhật Bản. Hôm 16-6, các quan chức Trung Quốc cho biết nước này hy vọng các phi hành gia nước ngoài và Trung Quốc sẽ cùng tham gia hoạt động trên trạm không gian của Trung Quốc.

Ông McDowell nhận định các kế hoạch của Trung Quốc không phải là sự hợp tác quốc tế và phụ thuộc lẫn nhau như ISS, thay vào đó nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tăng cường khuyến khích phi hành gia các nước thực hiện thí nghiệm trên trạm không gian của mình. ISS sẽ “nghỉ hưu” sau năm 2024 dù NASA cho biết trạm vũ trụ này có thể tiếp tục hoạt động đến năm 2028.

Sau thời gian đó, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia duy nhất sở hữu trạm không gian có người hoạt động thường xuyên xung quanh trái đất. Trạm không gian Thiên Cung nhỏ hơn so với ISS và dự kiến có tuổi thọ tối thiểu 10 năm. 

Hãy chờ xem!

Nhà thiên văn học McDowell cho rằng sứ mệnh sắp tới được lên kế hoạch kéo dài 6 tháng của Trung Quốc dường như cho thấy nước này đã tích lũy kinh nghiệm trong việc duy trì sự hiện diện của con người ngoài không gian và vận hành một trạm vũ trụ dài hạn tại đây. Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu đưa con người lên không gian sinh sống và làm việc lâu dài. Chuyên gia này nhận định vài tháng tới sẽ rất quan trọng để kiểm tra xem liệu những gì diễn ra có cho phép nền kinh tế thứ 2 thế giới hiện thực hóa tham vọng đó hay không.


Xuân Mai

Chia sẻ