Đài ABC (Úc) hôm 27-7 cho biết ngay sau khi ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Houston, bang Texas, một nhóm người đàn ông dường như là các quan chức/đặc vụ Mỹ đã phá khoá cửa sau tòa nhà và vào trong.

Kế đến, hai thành viên mặc đồng phục của Cục An ninh Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ được nhìn thấy đứng canh cửa.

Trung Quốc lên án vụ đột nhập của Mỹ, nói rằng nó vi phạm cả Công ước Vienna về Quan hệ lãnh sự và Hiệp ước lãnh sự Trung – Mỹ.

“Hành động của Mỹ bây giờ gần như chắc chắn là bất hợp pháp. Nhưng họ sẽ cho qua vì Tổng thống Donald Trump chuẩn bị tái tranh cử và việc chọn Trung Quốc làm mục tiêu có ý nghĩa chính trị” – GS chính trị Anthony Glees, Trường ĐH Buckingham (Anh), bình luận.

Ngay sau khi ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Houston, bang Texas, một nhóm người đàn ông dường như là các quan chức/đặc vụ Mỹ đã xông vào khu vực này từ phía cửa sau tòa nhà. Ảnh: AP

Theo đài ABC (Úc), các chuyên gia về gián điệp cho rằng các phái bộ ngoại giao đều lồng ghép công việc thu thập thông tin tình báo. Trong chừng mực nào đó, các nước chọn cách mắt nhắm mắt mở bởi “ai cũng làm vậy”, theo GS Glees. Tuy nhiên, nhiều quan chức ngoại giao Mỹ lên tiếng rằng hoạt động gián điệp tại tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đã “vượt quá xa giới hạn có thể chấp nhận”.

Cũng theo GS Glees, nhân viên lãnh sự “có thể hoạt động như gián điệp hợp pháp nhưng họ được pháp luật yêu cầu phải tuân thủ một số quy tắc nhất định”. Quá trình thu thập thông tin tình báo, dù là bí mật hay công khai, có thể thực hiện bằng nhiều cách như thông qua các cuộc họp, hội nghị và thăm các trường đại học, doanh nghiệp hoặc trung tâm nghiên cứu.

Nhưng ngay cả “gián điệp hợp pháp” đôi khi cũng tham gia vào các hoạt động gián điệp bất hợp pháp, thường là bằng cách tuyển dụng đặc vụ để thay mặt họ.

Cựu nhân viên ngoại giao Trung Quốc Chen Yonglin nói với đài ABC: “Gián điệp là bình thường đối với tất cả chính phủ. Trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc thu thập thông tin một cách công khai để tránh bị buộc tội liên quan đến công việc tình báo bí mật, họ cũng có thể hỗ trợ các hoạt động bí mật”.

Ông Chen cho biết hầu hết việc xâm nhập có thể được thực hiện hiệu quả hơn thông qua di cư – đặc biệt là đưa công nhân và chuyên gia lành nghề tới quốc gia mục tiêu. Thay vì sử dụng các đại sứ quán hoặc lãnh sự quán, họ có thể liên lạc trực tiếp với giới chức Trung Quốc hoặc gặp nhau ở nước thứ ba khiến các hoạt động như vậy rất khó bị phát hiện.

Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Houston. Ảnh: AP

Các nhà ngoại giao thường tạo ra những kết nối và “cài” sinh viên, chuyên gia vào các bộ phận nghiên cứu quan trọng để lấy thông tin về công nghệ mới mà Trung Quốc có thể sử dụng. Ông Chen nói thêm các hoạt động đó đặc biệt phổ biến ở Úc, nơi phản ứng với trộm cắp tài sản trí tuệ khá yếu. Ngược lại, chính quyền Tổng thống Trump lại có đường lối đặc biệt cứng rắn nhằm chống lại Trung Quốc trong cả các thỏa thuận thương mại lẫn chính trị.

Ông Chen nhận định phản ứng của Bắc Kinh đối với vụ lãnh sự quán ở TP Houston bị đóng cửa có khả năng bị hạn chế. Một phần là do Trung Quốc được hưởng lợi từ toàn cầu hóa, nền kinh tế của họ phụ thuộc vào thương mại quốc tế và các công nghệ được chia sẻ cũng như không muốn mạo hiểm với Mỹ hay Úc…

Cho đến nay, Bắc Kinh mới chỉ yêu cầu Washington đóng cửa lãnh sự quán ở Thành Đô. Đây có thể là một lựa chọn dựa trên quan điểm chiến lược bởi “đó là nơi Mỹ tập hợp thông tin về phát triển vũ khí chiến lược của Tây Tạng và Trung Quốc ở các khu vực lân cận”, theo GS Wu Xinbo, Trường ĐH Phúc Đán (Thượng Hải).

Còn việc lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Houston bị đóng cửa do Houston đang là một điểm nóng về thông tin, nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu về hàng không vũ trụ và dược phẩm, đặc biệt là giữa đại dịch Covid-19, GS Glees giải thích.


Phạm Nghĩa (Theo ABC)

Chia sẻ