Đối mặt sức ép gia tăng trên mặt trận kinh tế từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Moscow liên tục tung đòn đáp trả, với bước đi mới nhất là lệnh cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm và thiết bị đến cuối năm 2022.

Bộ Kinh tế Nga hôm 10-3 cho biết danh sách trên gồm máy móc nông nghiệp, gỗ, thiết bị của một số lĩnh vực như viễn thông, y tế, điện… Ngoài ra, một số biện pháp khác có thể được bổ sung, như hạn chế tàu nước ngoài cập cảng Nga.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với hàng hóa do công ty nước ngoài hoạt động tại Nga sản xuất, trong đó có xe hơi, container, toa tàu… Trước mắt, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến 48 quốc gia bị xem là “có các hành động không thân thiện” với Moscow, trong đó có Mỹ và EU.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Điện Kremlin có thể tìm kiếm những phương thức khả thi về pháp lý để tịch thu tài sản các công ty nước ngoài dừng hoạt động tại Nga.

 Trong khi đó, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nhấn mạnh “tịch thu tài sản nước ngoài và khả năng quốc hữu hóa chúng” là một trong những biện pháp đối phó trừng phạt mà Moscow đang sử dụng. Ông cũng cảnh báo Nga sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với những công ty nước ngoài rút khỏi Nga. “Cho dù lý do của sự ra đi này có là gì, các công ty nước ngoài phải hiểu rằng sẽ không dễ để họ trở lại thị trường Nga” – ông Medvedev nhấn mạnh hôm 10-3.

Một tàu hàng được cho là thuộc sở hữu Nga bị giữ lại tại cảng Lorient hôm 3-3 theo sau các biện pháp trừng phạt của Pháp nhằm vào MoscowẢnh: Reuters

Động thái trên được công bố giữa lúc một loạt công ty lớn và thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài thông báo rút khỏi hoặc ngưng hoạt động ở Nga, một phần do tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Nhà Trắng lập tức lên tiếng cảnh báo Moscow không nên có bước đi tịch thu tài sản của công ty Mỹ và quốc tế ngưng hoạt động hoặc rút khỏi thị trường Nga. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng nếu thực hiện biện pháp này, Moscow sẽ làm mất lòng tin của các nhà đầu tư cũng như đối mặt kiện tụng từ các công ty bị ảnh hưởng.

Ngoài cảnh báo trên, Mỹ còn muốn gia tăng hơn nữa sức ép lên Nga thông qua bước đi mới nhất của Tổng thống Joe Biden ngày 11-3. Theo Reuters, ông chủ Nhà Trắng kêu gọi chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Moscow, mở đường cho việc tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nga.

Theo giới chức Mỹ, việc bỏ quy chế “Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” với Nga đòi hỏi sự phê chuẩn của quốc hội và các nghị sĩ hiện ủng hộ biện pháp này. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ trong năm 2019, với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 28 tỉ USD.

Ngoài Mỹ, các thành viên khác của nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và EU cũng có bước đi tương tự trong việc thay đổi quy chế thương mại của Nga. Trước đó, Cao ủy về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Josep Borrell hôm 10-3 cho biết khối này đã sử dụng mọi biện pháp trừng phạt tài chính có thể có nhằm vào Nga.

Theo đài RT, ông Borrell nhận định đòn trừng phạt mạnh mẽ đã khiến đồng rúp Nga mất giá đến 40%, cũng như tạo gánh nặng cho nền kinh tế nước này. Cũng theo ông Borrell, lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cao là biện pháp trừng phạt “đau đớn nhất” đối với nền kinh tế Nga.


Hoàng Phương