Theo Reuters, Brazil đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe động vật trong 180 ngày kể từ hôm 22-5 để đối phó với việc nước này lần đầu tiên phát hiện ra virus cúm gia cầm độc lực cao ở các loài chim hoang dã, trong một văn bản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Carlos Favaro ký.

Việc lây nhiễm phân nhóm H5N1 của cúm gia cầm ở các loài chim hoang dã không gây ra lệnh cấm buôn bán, dựa trên các hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới.

Cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 đã gây lo ngại lớn cho ngành nông nghiệp và y tế Brazil – Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, chỉ một trường hợp cúm gia cầm tại một trang trại thường dẫn đến việc cả đàn bị giết và có thể gây ra các hạn chế thương mại từ các nước nhập khẩu.

Brazil hiện nước xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới với doanh thu 9,7 tỷ USD vào năm ngoái, cho đến nay đã xác nhận 8 trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 ở chim hoang dã, trong đó có 7 trường hợp ở bang Espirito Santo và 1 trường hợp ở bang Rio de Janeiro.

  • Bé gái 11 tuổi người Campuchia chết vì cúm gia cầm H5N1

  • Cúm gia cầm lan rộng, không chỉ trứng tăng giá

  • Dịch cúm gia cầm ở châu Âu: chưa từng có tiền lệ

Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết họ đã thành lập một trung tâm hoạt động khẩn cấp để điều phối, lập kế hoạch và đánh giá các hành động cần thiết liên quan đến phòng dịch.

Mặc dù các bang sản xuất thịt chính của Brazil nằm ở phía Nam, nhưng chính phủ vẫn cảnh giác sau khi các trường hợp được xác nhận, vì cúm gia cầm ở các loài chim hoang dã đã lây lan sang các đàn gia cầm ở các quốc gia khác.

Cuối tuần qua, Bộ Y tế Brazil cũng đã xét nghiệm 33 trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm ở người tại Espirito Santo, nơi Brazil xác nhận các trường hợp đầu tiên ở chim hoang dã vào tuần trước. Rất may họ đều âm tính.

Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm nếu lây sang người. Tại Việt Nam, cúm A/H5N1 thuộc nhóm A (nguy hiểm nhất) trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.


Thu Anh