“Kỷ nguyên quan hệ mới giữa Trung Quốc và thế giới Ả Rập” và “cục diện đa cực” trên thế giới là những cụm từ được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc đến nhiều lần trước cũng như trong chuyến công du vừa rồi tới vùng Vịnh.

Ông Tập Cận Bình thăm chính thức Ả Rập Saudi và tham dự Diễn đàn Kinh tế Trung Quốc – các nước Ả Rập, gặp lãnh đạo các nước thành viên của Tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và Liên đoàn Ả Rập.

Ở khu vực này, Trung Quốc hiện có mối quan hệ đối tác chiến lược với 6 quốc gia và tranh thủ được 20 nước tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Ả Rập Saudi là đối tác trung tâm và trọng tâm trong chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực.

Những kết quả mà ông Tập Cận Bình đạt được với chuyến đi đã giúp Trung Quốc gia tăng đáng kể vị thế, vai trò và ảnh hưởng trong thế giới Ả Rập, tạo nên cục diện địa chính trị và địa chiến lược mới có lợi cho Trung Quốc ở nơi đây.

 Các đối tác lớn bên ngoài khác, đặc biệt là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), thậm chí cả Nga nữa, giờ không thể coi nhẹ và không thể không tăng cường ganh đua ảnh hưởng và vai trò với Trung Quốc ở khu vực.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Ả Rập ở thủ đô Riyadh – Ả Rập Saudi hôm 9-12 Ảnh: Reuters

Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn trước dầu mỏ và khí đốt của các nước Ả Rập, thỏa thuận thanh toán thương mại với nhiều đối tác ở đây bằng đồng nhân dân tệ, sẵn sàng hợp tác với các nước Ả Rập để giúp họ bảo đảm an ninh và tăng cường quốc phòng.

Trung Quốc và các quốc gia này nhất trí không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau. Trung Quốc nhận được sự ủng hộ trực tiếp hoặc gián tiếp của các nước Ả Rập cho chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan và cho khu tự trị Tân Cương.

 Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với Iran nhưng không khiến cho các đối thủ của Iran trong khu vực lo ngại, Trung Quốc cũng không gò ép các nước Ả Rập phải chọn giữa Trung Quốc và Mỹ hay EU…

Những kết quả trên của chuyến công du của ông Tập Cận Bình chẳng phải đều là những gì mà Trung Quốc và các đối tác trong thế giới Ả Rập cầu được ước thấy hay sao? Đấy chẳng phải là những bản chất và chất lượng mới, quan hệ mới, hình thức và cấp độ quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Trung Quốc và các thành viên của thế giới Ả Rập hay sao?

Mỹ, EU và G7 (Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới) có lý do xác đáng để không hài lòng và quan ngại về cục diện quan hệ mới này bởi sẽ ngày càng thêm khó khăn nếu muốn ngăn chặn Trung Quốc gây dựng và tăng cường ảnh hưởng cũng như chắc chân ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu lửa và khí đốt từ vùng Vịnh chẳng khác gì tranh giành với họ về nguồn cung ứng dầu mỏ và khí đốt mà họ cần để đối phó khủng hoảng năng lượng, giá năng lượng tăng và tỉ lệ lạm phát cao do tác động của việc họ cấm vận Nga xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Như thế có nghĩa là trong khi Mỹ, EU và G7 thêm khó khăn thì Nga lại được lợi.

Hay như việc tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán thương mại trong thực chất còn có hiệu ứng “phi USD hóa” trong thanh toán quốc tế.

Rồi sự đồng thuận quan điểm giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập về các vấn đề chính trị, ủng hộ lẫn nhau trong những chuyện nội bộ của từng bên, không bất lợi cho Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine… đều có thể là những thông điệp mà Mỹ, EU và G7 không hề muốn nghe và nhận. Trung Quốc trở thành tác nhân ảnh hưởng mới thật sự ở nơi xa và thế giới Ả Rập mở thêm cổng tiếp cận trực tiếp khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 


Ngải Sa