Đây là mức tăng kỷ lục mà chưa có bất cứ quốc gia nào khác ghi nhận kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Con số nêu trên cao gần gấp 2 lần so với mức tăng kỷ lục khoảng 590.000 ca nhiễm sau 24 giờ được thiết lập cách đó 4 ngày tại Mỹ.

Mặc dù khiến số ca nhiễm tại hàng loạt quốc gia tăng kỷ lục, biến thể mới Omicron không làm tăng số ca bệnh nặng và nhập viện – hãng tin Bloomberg trích dẫn hàng loạt nghiên cứu cho hay. Theo nhiều chuyên gia, đây là tín hiệu cho thấy đại dịch đã chuyển sang một giai đoạn mới “ít nghiêm trọng hơn”.

“Virus sẽ không biến mất nhưng tôi hy vọng Omicron có thể giúp chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng để dập tắt đại dịch” – chuyên gia Monica Gandhi của Trường ĐH California (Mỹ) tin tưởng.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại TP New York – Mỹ hôm 3-1 Ảnh: REUTERS

Với niềm tin tương tự, chuyên gia Albert Ko của Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ) nhận định đại dịch nào cuối cùng rồi cũng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, cái kết của chúng sẽ không đến trong nháy mắt và thế giới vẫn sẽ phải học cách sống chung với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

“Chắc chắn Covid-19 sẽ ở bên chúng ta mãi mãi. Chúng ta sẽ không bao giờ loại bỏ được Covid-19, vì vậy chúng ta phải xác định mục tiêu của mình” – ông Ko giải thích với hãng tin AP.

Tổ chức Y tế thế giới sẽ xác định khi nào có đủ quốc gia giảm được số ca nhiễm Covid-19 hoặc ít nhất là số ca nhập viện và tử vong để tuyên bố đại dịch chính thức kết thúc.

Vấn đề là hiện chưa rõ chính xác ngưỡng này là bao nhiêu. Theo chuyên gia Stephen Kissler của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), cuộc khủng hoảng Omicron cho thấy thế giới vẫn chưa đến được giai đoạn nói trên. Dù vậy, ông tin rằng thế giới sẽ đến được thời điểm Covid-19 được xem là bệnh đặc hữu giống như bệnh cúm. 


Cao Lực

Chia sẻ