“Thử nghiệm lâm sàng này liên quan đến việc truyền huyết tương từ những người đã được chữa khỏi Covid-19, vốn chứa kháng sinh chống SARS-CoV-2 và những người có thể truyền sự miễn dịch này cho một bệnh nhân mắc Covid-19” – tuyên bố cho biết, đồng thời tiết lộ quá trình thử nghiệm sẽ bao gồm 60 bệnh nhân ở các bệnh viện Paris, với 50% trong số này sẽ được truyền huyết tương của những bệnh nhân đã phục hồi. 

Cũng theo tuyên bố, những kết quả đầu tiên có thể sẽ xuất hiện sau 2-3 tuần kể từ ngày bắt đầu thử nghiệm lâm sàng.

Huyết tương đã được chứng minh có công dụng trong các cuộc thử nghiệm quy mô nhỏ nhằm điều trị những căn bệnh truyền nhiễm như Ebola và SARS. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cho phép các bác sĩ nước này thử nghiệm liệu pháp huyết tương để đối phó Covid-19. Các cuộc thử nghiệm tương tự cũng đang được tiến hành tại Trung Quốc.

Người dân TP Nice – Pháp vỗ tay động viên tinh thần nhân viên y tế trong khủng hoảng Covid-19 hôm 4-4 Ảnh: REUTERS

Trong một cuộc thử nghiệm ở Trung Quốc, mức độ virus ở 5 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đã xuống cực thấp sau khi được truyền huyết tương – theo các nghiên cứu được công bố vào tuần rồi trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ.

Nhằm giúp các bệnh viện tìm được người hiến huyết tương phù hợp, Hiệp hội AABB – trước đây là Hiệp hội Ngân hàng máu Mỹ – tuần rồi công bố các hướng dẫn liên quan đến thu thập huyết tương. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Mỹ cũng đã triển khai mẫu đăng ký trực tuyến để hỗ trợ bệnh viện tìm kiếm nguồn huyết tương phù hợp.

Kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, tính đến ngày 5-4, Covid-19 đã lây nhiễm hơn 1,2 triệu người, cướp đi sinh mạng của hơn 64.900 người trên toàn thế giới. Số người nhiễm – thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 tại Mỹ, Pháp và Trung Quốc lần lượt là 311.637 – 8.454, 89.953 – 7.560 và 81.669 – 3.329 người.


Cao Lực