Tại cuộc họp với Thống đốc Tokyo Yuriko Koike ngày 12-8, TS Norio Omagari cho biết: “Dịch Covid-19 đang lan rộng với tốc độ chưa từng thấy và số ca nhiễm mới đang tăng lên nhanh chóng. Hiện tại không thể kiểm soát được tình hình”.

TS Norio Omagari nói như thế giữa lúc chính quyền đang cân nhắc xem có nên gia hạn tình trạng khẩn cấp ở Tokyo hay không. Thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp ở Tokyo tạm kéo dài đến cuối tháng 8. 

Thủ đô Tokyo đang trải qua làn sóng nhiễm dịch Covid-19 nặng nề nhất từ trước đến nay. Tờ Sankei đưa tin chính phủ Nhật Bản đang xem xét gia hạn tình trạng khẩn cấp ở Tokyo sang tháng 9 và mở rộng ra nhiều khu vực hơn.

Tình trạng khẩn cấp ở Tokyo bắt đầu có hiệu lực đến cuối tháng 8. Ảnh: EPA-EFE

Quy định áp đặt các tình trạng khẩn cấp không phát huy được hiệu quả do nhiều quán bar và nhà hàng phớt lờ hướng dẫn đóng cửa sớm và ngừng phục vụ rượu. Thống đốc Yuriko Koike yêu cầu thực hiện các biện pháp làm giảm 50% tần suất đi lại của người dân so với giai đoạn ngay trước khi thực hiện tình trạng khẩn cấp hiện tại.

Thủ tướng Suga Yoshihide và các quan chức chính phủ đã bác bỏ đề xuất phong tỏa theo kiểu châu Âu để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thay vào đó họ xúc tiến triển khai vắc-xin và thắt chặt các hạn chế đối với những người có thể nhập viện. Theo Bloomberg, Nhật Bản đã tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 36% dân số, so với 60% ở Anh và 51% ở Mỹ.

Trong ngày 11-8, thủ đô Tokyo ghi nhận thêm 4.200 ca mắc mới. Tốc độ lây nhiễm có vẻ chững lại sau khi địa phương này ghi nhận mức cao kỷ lục hôm 5-8 với 5.042 trường hợp. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân trong bệnh viện và những người trong tình trạng nghiêm trọng vẫn tiếp tục tăng cao, khiến hệ thống y tế ở Tokyo căng thẳng.

Hàng triệu liều vắc xin Covid-19 trên khắp thế giới sắp hết hạn sử dụng giữa lúc rất nhiều người chưa được tiêm chủng. Các chương trình phân phối vắc-xin thường gây lãng phí nhưng ông Prashant Yadav, chuyên gia về chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nói với tờ The Washington Post rằng “không có ai theo dõi các liều hết hạn một cách có hệ thống”, khiến rất khó để biết có bao nhiêu liều sẽ lãng phí.

Vắc-xin Covid-19 đến Sân bay Quốc tế Kigali ở Rwanda. Ảnh: Unicef

Trong khi không có thông báo chính thức trên toàn cầu về số lượng liều vắc-xin Covid-19 hết hạn, các bản tin địa phương đã vẽ nên bức tranh về tình trạng lãng phí vắc-xin trên toàn cầu. Chẳng hạn tại Israel, 80.000 liều vắc-xin hết hạn vào cuối tháng 7 đã bị hủy bỏ.

73.000 liều vắc-xin sẽ hết hạn sử dụng ở Hà Lan khi hơn một nửa dân số đã được tiêm chủng. Thế nhưng, chính phủ Hà Lan viện lý do pháp lý và hậu cần để giải thích tại sao chúng không thể được tài trợ và xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở châu Phi, nơi chỉ có 2,2% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin, hơn 450.000 liều đã hết hạn dùng vào đầu tháng 8.

Richard Mihigo, điều phối viên về tiêm chủng và phát triển vắc-xin cho văn phòng khu vực Châu Phi của WHO, cho biết: “Hầu hết các loại vắc-xin được cung cấp đều có ngày hết hạn rất gần”. Trong khi đó, Lawrence Gostin, giáo sư luật sức khỏe toàn cầu tại Trường ĐH Georgetown (Mỹ), nói: “Lượng vắc-xin chúng tôi có là không đủ. Chúng sắp hết hạn sử dụng, đang hư hỏng vì thiếu điện, chúng không được chuyển đến người dân. Đó là thảm họa”.


Huệ Bình

Chia sẻ