Làn sóng lây nhiễm mới bắt đầu vào giữa tháng 9 dường như đã ổn định vào tuần rồi nhưng lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Nga ngày 13-11 thông báo thêm 1.241 ca tử vong, nhiều hơn 2 ca so với mức kỷ lục được thiết lập 3 ngày trước đó.

Nga đến giờ đã ghi nhận tổng cộng hơn 254.000 trường hợp thiệt mạng vì Covid-19, cao nhất châu Âu. Số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 39.256 ca, lên tổng cộng 9,03 triệu ca.

Nga đã triển khai tuần lễ “không làm việc” vào đầu tháng 11, đóng cửa nhiều doanh nghiệp với hy vọng làm chậm tốc độ lây lan của virus.

Hai dự luật phòng chống Covid-19 mới đã được đệ trình vào ngày 12-11, với mục tiêu triển khai vào năm sau. Nếu được thông qua, các biện pháp mới trong 2 dự luật này sẽ hạn chế di chuyển của những người chưa tiêm vắc-xin đầy đủ hoặc chưa phục hồi từ Covid-19.

Số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh trong bối cảnh tỉ lệ tiêm phòng tại Nga thấp: Chưa đến 40% dù họ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắc-xin Covid-19.

Nhân viên y tế tiêm phòng Covid-19 cho một người phụ nữ ở thị trấn Korenovsk, khu vực Krasnodar – Nga hôm 13-11. Ảnh: AP

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca nhiễm và tử vong trong tuần qua tại châu Âu đã tăng thêm lần lượt 7% và 10%. Đây là khu vực duy nhất trên thế giới có số ca nhiễm và tử vong tăng.

Gần 2/3 tổng số ca nhiễm mới – khoảng 1,9 triệu ca – được ghi nhận ở châu Âu vào tuần rồi. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp châu lục này ghi nhận xu hướng tăng giữa lúc nhiều quốc gia đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 hoặc thứ 5, theo báo The Guardian.

Ngoại trừ Trung Âu và Đông Âu, những nơi có tỉ lệ tiêm phòng thấp hơn nhiều so với phần còn lại của châu lục, số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 nhìn chung thấp hơn nhiều so với năm ngoái.

Người dân xếp hàng chờ tiêm phòng Covid-19 tại TP Dresden – Đức hôm 8-11. Ảnh: Reuters

Điều đáng lo ngại là tại những quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng cao như Hà Lan, Pháp và Đức, số ca nhiễm cũng đã bắt đầu tăng mạnh trở lại.

Hà Lan hôm 13-11 trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên ban hành lệnh phong tỏa một phần kể từ hè này. Trong khi Berlin cấm người chưa tiêm chủng ăn uống tại nhà hàng, Paris tích cực cải thiện chiến dịch tiêm liều bổ trợ.

Theo giới chuyên gia, tỉ lệ tiêm phòng thấp, mức độ miễn dịch giảm ở những người được tiêm phòng đầu tiên, tâm lý chủ quan sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng vào hè rồi là nguyên nhân chính khiến châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới.


Cao Lực

Chia sẻ