Động thái cải thiện mối quan hệ với Greenland của Mỹ vấp phải chỉ trích từ Đan Mạch. Vụ việc diễn ra chưa đầy một năm sau khi Đan Mạch từ chối đề nghị mua đảo của Tổng thống Donald Trump khi cho rằng đó là điều “vô lý”.

Đảo Greenland ngày càng quan trọng hơn đối với quân đội Mỹ và hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Mỹ trước sự tăng cường thương mại và quân sự của Nga và Trung Quốc ở Bắc cực.

Mỹ có kế hoạch mở một lãnh sự quán ở thủ phủ Nuuk của Greenland trong năm nay. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, đảo Greenland, vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch có 56.000 cư dân và giàu tài nguyên, đã hoan nghênh khoản viện trợ đặc biệt dành cho các lĩnh vực tài nguyên và giáo dục.

Với nền kinh tế quy mô nhỏ phụ thuộc nhiều vào đánh bắt cá, hòn đảo không có đường phố giữa 17 thị trấn và một sân bay quốc tế thương mại, phụ thuộc vào các khoản tài trợ hàng năm từ Đan Mạch.

Ông Karsten Honge, một thành viên của Ủy ban Đối ngoại thuộc đảng Nhân dân Xã hội Đan Mạch, chỉ trích: “Họ rõ ràng đã vượt qua ranh giới”. Theo ông Honge, động thái này của Mỹ nhằm cố chia tách Greenland và Đan Mạch.

Trong khi đó, ông Soren Espersen, thành viên Ủy ban Đối ngoại thuộc đảng Nhân dân Đan Mạch, cho rằng lời đề nghị của Mỹ là “một sự xúc phạm” đối với Greenland và Đan Mạch. 

Trái lại, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod hoan nghênh động thái này khi cho rằng Greenland trong nhiều năm qua đã tìm cách phát triển nền kinh tế nhỏ của mình bằng cách mở cửa ra thế giới và tìm kiếm đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23-4 bác bỏ thông tin cho rằng những nỗ lực của Washington nhằm gây chia rẽ, đồng thời cho rằng Mỹ đã làm việc chặt chẽ với Đan Mạch trong nhiều tháng về sáng kiến ​​này. Theo quan chức này, gói viện trợ nói trên không nhằm mở đường để Mỹ mua Greenland.

Trong năm nay, Mỹ có kế hoạch mở một lãnh sự quán ở thủ phủ Nuuk của Greenland lần đầu tiên kể từ năm 1953.

Mỹ thông báo về gói viện trợ nói trên giữa lúc Nga tăng cường khả năng quân sự ở Bắc Cực trong khi Trung Quốc tự gọi mình là “quốc gia gần Bắc Cực” và đã đặt kế hoạch cho “Con đường tơ lụa địa cực” tập trung vào các tuyến vận chuyển mới ở Bắc cực và tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Mỹ vốn ít chú ý đến Bắc Cực trong hai thập kỷ qua nhưng các quan chức cho biết nước này đang trong quá trình điều chỉnh chính sách Bắc cực cho những thực tế chiến lược mới ngày nay.


Xuân Mai (Theo Reuters)