Ông Fontanet cho biết giới chức Pháp đã kiểm soát được Covid-19 đến cuối tháng 6 và số người phải nhập viện vì đại dịch cũng được giữ ở mức thấp cho đến cuối tháng 8. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần lạnh giá trong tháng 9, mọi chuyện đã nhanh chóng chuyển biến tồi tệ trên khắp châu Âu.

“Virus lây lan khủng khiếp hơn trong thời tiết lạnh vì chúng ta ở trong nhà nhiều hơn. Bệnh viện và nhân viên y tế sẽ đối mặt với tình trạng mà họ đã biết” – ông Fontanet nói, ám chỉ thời điểm Covid-19 đạt đỉnh vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 khi hệ thống y tế Pháp trên bờ vực sụp đổ.

Trước đó, vào ngày 22-10, Thủ tướng Pháp Jean Castex tuyên bố lệnh giới nghiêm mỗi ngày (từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau) ở Paris và 8 thành phố lớn khác sẽ được mở rộng sang 38 khu vực nữa để đối phó với “làn sóng lây nhiễm thứ hai rất nghiêm trọng đang diễn ra ở Pháp và châu Âu”.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại đơn vị chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện CHIREC Braine l’Alleud-Waterloo – Bỉ hôm 23-10 Ảnh: REUTERS

Không lâu sau tuyên bố của Thủ tướng Castex, giới chức y tế Pháp thông báo thêm 41.622 ca nhiễm – mức tăng kỷ lục sau 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 999.043 ca.

Tại Tây Ban Nha, quốc gia Tây Âu đầu tiên có số ca mắc Covid-19 vượt mốc 1 triệu, Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết đại dịch đã vượt tầm kiểm soát ở nhiều khu vực.

Châu Âu tưởng chừng đã kiểm soát được Covid-19 nhờ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hồi tháng 3 và tháng 4. Tuy nhiên, sự gia tăng trở lại số ca nhiễm trong những tuần gần đây đã biến châu lục này thành tâm dịch. Mặc dù hệ thống y tế châu Âu vẫn chưa rơi vào tình trạng quá tải như đợt bùng phát đầu tiên, giới chức nhiều nước lo ngại điều này có thể sớm xảy ra nếu tốc độ lây nhiễm hiện tại không giảm.

Đức, quốc gia lần đầu tiên ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới sau 24 giờ vào ngày 22-10, đã mở rộng cảnh báo du lịch với Thụy Sĩ, Ireland, Ba Lan, phần lớn Áo và nhiều khu vực của Ý, bao gồm Rome. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDPC), hiện có hơn 5,3 triệu người nhiễm và hơn 204.000 người thiệt mạng vì Covid-19 trên khắp châu Âu. Con số này ở Mỹ và Ấn Độ lần lượt là 8,4 triệu và 7,7 triệu người.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 22-10 phê duyệt sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir của Công ty Dược Gilead Sciences (Mỹ) cho các trường hợp nhiễm Covid-19 nặng phải nhập viện. Đây hiện là loại thuốc đầu tiên và duy nhất được phê duyệt để chữa trị Covid-19 tại Mỹ. Remdesivir cũng là thuốc được Tổng thống Donald Trump sử dụng trong lúc điều trị Covid-19 đầu tháng này.


Cao Lực

Chia sẻ