Theo báo cáo mới của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố hôm 27-5, các nhà khoa học cảnh báo thế giới cần ngăn nhiệt độ trung bình hằng năm trên toàn cầu vượt ngưỡng tăng 1,5 độ C để tránh những tác động lâu dài và thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu – bao gồm lũ lụt, hạn hán nghiêm trọng, đại dương nóng lên (gây ra các cơn bão nhiệt đới và khiến sinh vật biển chết hàng loạt).

Nhiệm vụ này càng khó khăn khi báo cáo trên dự báo khả năng nhiệt độ trung bình hằng năm trên trái đất tạm thời tăng thêm 1,5 độ C vào một thời điểm nào đó trong 5 năm tới là vào khoảng 44%.

Nhân viên cứu hỏa ngăn đám cháy rừng lan rộng ở TP Santa Barbara, bang California – Mỹ hôm 21-5 Ảnh: REUTERS

Theo AP, WMO cũng dự báo 90% khả năng thế giới sẽ lập thêm kỷ lục năm nóng nhất vào cuối năm 2025 và sẽ xuất hiện nhiều cơn bão nguy hiểm hơn trên Đại Tây Dương.

Riêng trong năm nay, phần lớn lục địa ở Bắc bán cầu sẽ ấm hơn 0,8 độ C so với những thập kỷ qua và hạn hán tiếp tục diễn ra ở Tây Nam Mỹ.

Đáng chú ý, ông Randall Cerveny, nhà khoa học khí hậu tại Trường ĐH Bang Arizona và là báo cáo viên của WMO, cho rằng dịch Covid-19 tưởng như sẽ góp phần kéo giảm sự nóng lên toàn cầu – do hoạt động đi lại và sản xuất công nghiệp bị gián đoạn – nhưng thực tế không phải vậy.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh kết quả báo cáo là lời cảnh tỉnh thế giới phải sớm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đạt được mức trung hòa carbon. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cảnh báo tính đến cuối năm 2020, người dân trên thế giới đang trên đà gây ra hiện tượng trái đất ấm lên hơn 3 độ C vào cuối thế kỷ này.


Xuân Mai

Chia sẻ