Bộ Y tế Israel thông báo kể từ đầu tháng 1, hơn 1 triệu người Israel đã mắc Covid-19 và có 207 người qua đời. Bộ cho biết tỉ lệ bị nhiễm Covid-19 ở người trên 60 tuổi chưa tiêm vắc-xin cao gấp 6,5 lần so với những người đã tiêm.

Biến thể Omicron làm dấy lên hy vọng rằng đại dịch đang bắt đầu chuyển sang giai đoạn đặc hữu. Tuy nhiên, các bác sĩ tại nhiều bệnh viện của Israel đang làm việc không mệt mỏi để điều trị cho làn sóng bệnh nhân Covid-19. Được biết, có 814 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, một kỷ lục đáng buồn khác của làn sóng dịch hiện tại. 

Về tỉ lệ tử vong và bệnh nhân nặng, trong những tuần đầu tiên của làn sóng Omicron, các chuyên gia y tế ước tính hầu hết bệnh nhân đều bị nhiễm biến thể Delta chứ không phải Omicron. Tuy nhiên, giờ đây, người ta tin rằng trong số những bệnh nhân bị bệnh nặng, tỉ lệ nhiễm Omicron cũng rất cao.

Israel lại ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới Covid-19 và số ca nhập viện. Ảnh: Amit Shabi

Cũng trong ngày 23-1, giáo sư Ran Balicer, người đứng đầu nhóm chuyên gia về đại dịch kiêm cố vấn của Bộ Y tế Israel, công bố 1 báo cáo cho biết chỉ có 2% bệnh nhân Covid-19 ở Israel đang mắc biến thể Delta.

Lần đầu tiên trong 1 thời gian dài, cuộc họp nội các ngày 23-1 của Israel không mở đầu bằng việc Thủ tướng Naftali Bennett nói về sự gia tăng đáng kể các ca Covid-19 trên toàn quốc. Tuy nhiên, sự phớt lờ có chủ đích của ông Bennett về vấn đề này không phải để báo hiệu sự trở lại bình thường. Thay vào đó, ông Bennett chỉ muốn né tránh thực tế và ước rằng số ca mắc mới, số ca bệnh nặng và tỉ lệ nhập viện cao kỷ lục sẽ tan biến.

Đáng buồn thay, những mong muốn của người dân về sự bình thường không phù hợp với thực tế toàn cầu hiện nay. Bất chấp những nỗ lực không ngừng của chính phủ trong việc vẽ ra bức tranh chung sống cùng Covid-19, tình hình mà Israel đang đối mặt không hề bình thường. 

Tờ Ynet News cho rằng chính phủ Israel phải chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm tiếp theo. Điều này bao gồm việc cung cấp cho các bệnh viện các nguồn lực cần thiết để đối phó với một lượng lớn bệnh nhân, thực hiện các điều chỉnh cần thiết đối với hệ thống giáo dục cũng như tìm cách hiệu quả để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

WHO: Thế giới có thể chấm dứt Covid-19 trong năm nay

Ngày 24-1, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố thế giới có thể chấm dứt đại dịch Covid-19 trong năm nay. Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo các nước cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo việc tiếp cận công bằng với vắc-xin và điều trị, theo dõi virus và các biến thể mới, đồng thời duy trì các biện pháp hạn chế.

Trong nhiều tháng qua, WHO đã yêu cầu các nước phải hành động nhiều hơn nữa để đẩy nhanh việc phân phối vắc-xin ở các nước nghèo hơn, kêu gọi tất cả các chính phủ tiêm vắc-xin cho ít nhất 70% dân số vào giữa năm nay.

Covid-19 đã giết chết hơn 5,5 triệu người kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019 và số ca nhiễm đã tăng lên mức kỷ lục vì biến thể Omicron.

Kể từ khi biến thể này lần đầu tiên được phát hiện ở miền Nam châu Phi cách đây 9 tuần, ông Tedros cho biết 80 triệu ca nhiễm đã được báo cáo cho WHO, nhiều hơn cả năm 2020. Dù vậy, Omicron dường như không gây bệnh nặng như các biến thể trước và ông Tedros xác nhận rằng “sự bùng nổ số ca nhiễm không tỉ lệ thuận với số ca tử vong”.


Bảo Hạnh

Chia sẻ