Những ngày gần đây, hình ảnh nhân viên bảo vệ đứng canh tại khu vực để giấy vệ sinh của “đại gia” siêu thị Coles (Úc) xuất hiện dày đặc trên mặt báo. Nhiều vụ tranh giành giấy vệ sinh cũng được ghi nhận. Điều này làm dấy lên câu hỏi tại sao mọi người đổ xô mua giấy vệ sinh dù nó không phải mặt hàng thiết yếu trong cuộc khủng hoảng như bánh mì và sữa.

Dưới đây là 5 lý do được đài CNN đăng tải:

Lý do thứ nhất: Tâm lý hoảng loạn

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Steven Taylor đến từ Trường ĐH British Columbia, dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh chóng và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là “đại dịch” đã gây ra sự hoảng loạn cho công chúng.

Mọi người sợ hãi virus SARS-CoV-2 vì nó mới xuất hiện, còn rất nhiều điều bí ẩn xoay quanh. Từ đó, họ nảy sinh tâm lý tích trữ nhu yếu phẩm, bao gồm cả giấy vệ sinh, để dùng trong trường hợp bị cách ly hoặc khủng hoảng kéo dài. Tuy nhiên, mọi thứ bị công chúng đẩy lên tới mức cực đoan.

Người dân Úc mua “nhẵn” giấy vệ sinh tại siêu thị. Ảnh: Al Jazeera

Lý do thứ hai: Thiếu hướng đi rõ ràng từ chính quyền các cấp

GS Baruch Fischhoff, làm việc cho Viện Chính trị và Chiến lược tại Trường ĐH Carnegie Mellon, cho biết một số quốc gia đã áp đặt biện pháp kiểm dịch hàng loạt. Những người mua giấy vệ sinh và các đồ dùng gia đình khác có thể đang chuẩn bị cho điều tương tự ở thành phố của họ. Trừ khi công chúng nghe thấy cam kết chính thức từ chính quyền, họ sẽ không đoán được phải cần thêm bao nhiêu giấy vệ sinh mới đủ. Vì vậy, cứ tích trữ cho chắc.

Lý do thứ ba: “Người khác mua, tôi cũng mua”

Ông Taylor giải thích hình ảnh các kệ hàng đựng giấy vệ sinh trống rỗng và mọi người chất đầy giấy vệ sinh trong xe đẩy thôi thúc số còn lại mua mặt hàng này. Họ chứng kiến cảnh những người mua hoảng loạn nên “bị lây” tâm lý đó, dẫn tới mua hết nguồn cung cấp.

“Con người trao đổi tín hiệu an toàn và nguy hiểm. Khi bạn nhìn thấy ai đó trong cửa hàng hoảng loạn mua sắm, điều đó có thể gây ra hiệu ứng lây lan sự sợ hãi” – ông Taylor nói.

Kệ hàng giấy vệ sinh trống rỗng. Ảnh: Al Jazeera

Lý do thứ tư: Tích trữ là nhu cầu tự nhiên

Trong bối cảnh các cơ quan y tế khuyến cáo công chúng nên ở nhà và tránh tiếp xúc với bên ngoài, nhu cầu tích trữ là hoàn toàn dễ hiểu, GS Frank Farley đến từ Trường ĐH Temple bình luận.

“Dịch bệnh Covid-19 đang gây ra một loại tâm lý sinh tồn, nghĩa là chúng ta phải sống nhiều nhất có thể ở nhà và do đó phải tích trữ những thứ cần thiết, chắc chắn bao gồm cả giấy vệ sinh. Nếu chúng ta hết giấy vệ sinh, chúng ta phải thay thế nó bằng gì đây?” – ông Farley nói với đài CNN.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ khuyên người dân của mình nên tích trữ thực phẩm, đồ dùng vệ sinh và vật tư y tế đủ dùng trong ít nhất 2 tuần. Song hầu hết đều tích trữ đến mức cực đoan.

Lý do thứ năm: Cảm giác kiểm soát tình hình

Ông Taylor cho biết những người tích trữ nhu yếu phẩm, trong đó có giấy vệ sinh, thường nghĩ về bản thân và gia đình họ cũng như cần chuẩn bị những gì: “Mọi người trở nên lo lắng trước sự lây lan của dịch bệnh. Họ không nghĩ về bức tranh rộng lớn hơn, giống như hậu quả của việc tích trữ giấy vệ sinh?”.

Còn ông Fischhoff nói rằng mọi người hành động như vậy vì sợ hãi. Thậm chí bằng cách mua giấy vệ sinh, họ sẽ được trả lại cảm giác kiểm soát tình hình dù bất lực.

Ngoài Úc, Mỹ, Anh…, một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Malaysia cũng ghi nhận cảnh người dân đổ xô đi mua nhu yếu phẩm tích trữ, bao gồm giấy vệ sinh. Tại Nhật Bản, chính phủ nước này cảnh báo sẽ trừng phạt những người bán lại khẩu trang để thu lợi nhuận trong bối cảnh thiếu hụt các mặt hàng vệ sinh.

Nhiều nhà sản xuất giấy vệ sinh phải tăng cường công suất tối đa. Ảnh: Al Jazeera


Phạm Nghĩa (Theo CNN)