Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 36 người, chủ yếu vì vi phạm quy tắc chống Covid-19, sau khi khoảng 10.000 người tập trung tại London biểu tình với các biểu ngữ phản đối lệnh phong tỏa, như “Ngừng hủy hoại cuộc sống của con chúng tôi” và “Đại dịch giả”.

Sau khi đám đông biểu tình đi qua trung tâm London, một nhóm khoảng 100 người trở lại công viên Hyde, nơi cảnh sát khẳng định họ ném vật thể cứng về phía các sĩ quan.

Cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa tại thủ đô London – Anh hôm 20-3 thu hút khoảng 10.000 người tham dự. Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

“Nhiều người bị thương vì cuộc tấn công có chủ đích này. Thật không thể chấp nhận và đáng buồn khi những sĩ quan thực thi quy tắc phòng dịch bảo vệ chúng ta lại trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công bạo lực” – Phó trợ lý ủy viên cảnh sát London Laurence Taylor nói.

Các biện pháp hạn chế được Anh triển khai vào đầu tháng 1, khi số người nhiễm, nhập viện cũng như tử vong vì Covid-19 gia tăng.

Theo Reuters, các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa với sự tham gia của hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn người thường xuyên diễn ra tại Anh giữa khủng hoảng Covid-19, bất chấp cảnh báo từ phía cảnh sát rằng họ có thể bị bắt giam hoặc phạt tiền.

Cảnh sát Anh cho biết họ bắt giữ 36 người, chủ yếu vì vi phạm quy tắc chống dịch. Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Tại Đức, cảnh sát hôm 20-3 buộc phải sử dụng vòi rồng và khí cay để vãn hồi an ninh, sau khi cuộc biểu tình phản đối các quy tắc chống dịch với sự tham gia của khoảng 20.000 người trở nên bạo lực. Người biểu tình trên khắp cả nước đã đổ về trung tâm TP Kassel để tham gia cuộc biểu tình này.

“Người biểu tình ném chai về phía cảnh sát và tìm cách vượt qua rào chắn” – cảnh sát Đức khẳng định trên Twitter, đồng thời nói rằng đám đông biểu tình không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội.

Tại Đức, cuộc biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế tại TP Kassel thu hút khoảng 20.000 người tham dự. Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Với việc Đức đã bước sang tháng phong tỏa thứ tư và nỗ lực tiêm chủng đang tụt lại phía sau so với Anh và Mỹ, người dân nước này ngày càng bất mãn khi quốc gia của họ thiếu lộ trình rõ ràng nhằm trở lại trạng thái bình thường.

Các nhà lãnh đạo quốc gia và vùng dự kiến họp vào ngày 22-3 để bàn về nước đi tiếp theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng vì biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, nhiều chính trị gia nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để nới lỏng phong tỏa.

Người dân Đức ngày càng bất mãn khi quốc gia của họ thiếu lộ trình rõ ràng nhằm trở lại trạng thái bình thường. Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters


Cao Lực

Chia sẻ