Người phát ngôn này nói với hãng tin Reuters sẽ không có sự tham gia chính thức nào của Mỹ trong chương trình này nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển vắc-xin và chia sẻ nguồn lực trong cuộc chiến chống lại virus corona chủng mới (SARS-CoV-2)

Người phát ngôn Mỹ cho hay: “Chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về sáng kiến ​​này để hỗ trợ hợp tác quốc tế nhằm phát triển vắc-xin phòng ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và các nhà lãnh đạo thế giới khác trong hội nghị qua video hôm 24-4 – Ảnh: Reuters

Quyết định rút khỏi nỗ lực hợp tác quốc tế diễn ra sau khi ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ hoãn tài trợ cho WHO vì cáo buộc cơ quan Liên Hiệp Quốc này “che đậy” tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc.

Hôm 24-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong số các nhà lãnh đạo thế giới khác đã thúc đẩy một sáng kiến ​​toàn cầu nhằm đẩy nhanh việc phát triển vắc-xin tiềm năng.

Tổng thống Macron cho rằng tổ chức này hy vọng giúp hòa giải cả Mỹ và Trung Quốc quanh sáng kiến này vì đây là cuộc chiến chống lại Covid-19, là lợi ích chung của người dân và không nên có sự chia rẽ để giành chiến thắng trong cuộc chiến này.

WHO cam kết cho phép các quốc gia khác tiếp cận phương pháp điều trị và vắc-xin, cam kết hợp tác quốc tế và chia sẻ các nỗ lực nghiên cứu, đưa ra quyết định công khai về hành động phản ứng.

Theo ngân sách của WHO trong giai đoạn từ năm 2020-2021, việc Mỹ hoãn tài trợ WHO có thể đe dọa đến khoản tài trợ trị giá hàng triệu USD cho bệnh bại liệt, lao và điều trị HIV/AIDS, cũng như các chương trình dành cho các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin và kiểm soát dịch bệnh.

Ổ dịch mới trên tàu Hải quân Mỹ

Lầu Năm Góc hôm 24-4 cho biết dịch Covid-19 đã bùng phát trên tàu khu trục USS Kidd của Hải quân Mỹ. Tàu chiến này đang được triển khai hoạt động tại khu vực Caribe và Đông Thái Bình Dương với sứ mệnh chống buôn lậu ma túy trái phép.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman cho biết thủy thủ đầu tiên bị nghi nhiễm Covid-19 đã được đưa ra khỏi tàu USS Kidd sau khi người này xuất hiện các triệu chứng. Thủy thủ này sau đó được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2. Các quan chức Mỹ giấu tên nói với hãng tin Reuters hơn một chục thủy thủ trên tàu dương tính với loại virus này.

USS Kidd là tàu chiến thứ hai của Hải quân Mỹ xuất hiện ổ dịch Covid-19 lớn sau tàu sân bay Theodore Roosevelt cập cảng ở đảo Guam. 1 thủy thủ nhiễm SARS-CoV-2 trên tàu Theodore Roosevelt thiệt mạng và gần 850 người trong số 4.800 thành viên trên tàu cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.


Xuân Mai (Theo Independent, Reuters)