Trung tâm công nghiệp Quảng Châu, nơi có dân số khoảng 19 triệu người, đang phải vật lộn với đợt bùng dịch mới bắt đầu từ ngày 21-5. Ổ dịch xuất phát từ một cụ bà 75 tuổi sống tại quận Lệ Loan. Bệnh nhân này bị nhiễm biến thể có khả năng lây nhiễm cao xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Biến thể này vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên lại là Delta.

Xét nghiệm trên diện rộng là chiến lược chủ yếu trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là ở các điểm nóng như quận Lệ Loan, Hải Châu, Việt Tú và Thiên Hà. Đây là những nơi bắt buộc phải xét nghiệm. Ông Chen Bin, phó giám đốc Ủy ban Y tế Quảng Châu, cho biết đã có 7,81 triệu cư dân thành phố được xét nghiệm tính đến ngày 2-6.

Đến nay, 70 ca nhiễm trong cộng đồng đã được phát hiện ở tỉnh Quảng Đông, trong đó có 14 ca không có triệu chứng. Trong ngày 2-6, có 16 ca nhiễm mới được xác nhận, trong đó có 5 ca không có triệu chứng.

Người tình nguyện mặc đồ bảo hộ đến 1 khu vực bị phong tỏa ở TP Quảng Châu để phân phát thực phẩm và vật dụng thiết yếu. Ảnh: VCG

Trung Quốc phần lớn đã kiểm soát được đại dịch dù vẫn xảy ra những đợt bùng phát lẻ tẻ. Dù số ca nhiễm trong làn sóng mới nhất vẫn tương đối thấp nhưng nó đã lan tới những thành phố khác của tỉnh Quảng Đông, ví dụ như Phật Sơn, Mậu Danh và Thâm Quyến.

Vào ngày 2-6, giới chức trách đã biến sân vận động lớn nhất TP Quảng Châu thành cơ sở xét nghiệm với bốn phòng xét nghiệm axit nucleic tạm thời, mỗi phòng có thể xử lý 120.000 xét nghiệm/ngày.

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 4-6 dẫn lời ông Zhao Wei, một giáo sư y tế cộng đồng tại trường ĐH Y miền Nam của Quảng Châu, cho biết thành phố đã được trang bị để đối phó với mức độ xét nghiệm cần thiết.

Các biện pháp khác được áp dụng bao gồm giới hạn đi lại trên toàn tỉnh. Bất kỳ ai muốn rời khỏi Quảng Đông phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Một số khu vực ở Quảng Châu được áp dụng lệnh phong tỏa.

Sân vận động được chuyển thành trung tâm xét nghiệm. Ảnh: Xinhua

Theo lời ông Lei Chunliang, người đứng đầu Bệnh viện Nhân dân số 8 thuộc trường ĐH Y khoa Quảng Châu, việc tiêm chủng đã giúp giảm tình trạng lây nhiễm. “Trong đợt bùng phát này, 4 bệnh nhân được phát hiện nhiễm bệnh sau khi tiêm liều vắc-xin đầu tiên nhưng họ không bị bệnh nặng dù chưa tiêm liều thứ hai. Vì vậy, các kết quả lâm sàng cho thấy vắc-xin đã rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa tình trạng bệnh nghiêm trọng” – trích lời ông Lei

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường chương trình tiêm chủng với mục tiêu tiêm vắc-xin cho 40% dân số, khoảng 560 triệu người, vào cuối tháng 6. Tính đến ngày 31-5, hơn 10 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 mũi tại TP Quảng Châu và tổng số liều đã tiêm trên toàn quốc là 704,83 triệu liều, tính đến ngày 2-6.


Bảo Hạnh

Chia sẻ