Sau khi tuyên bố các thống đốc sẽ quyết định khi nào sẽ mở cửa trở lại, ông Trump kêu gọi những người ủng hộ “trả tự do” cho một số bang do đảng Dân chủ kiểm soát. Mở đầu cho một loạt dòng tweet “đầy khiêu khích” vào ngày 17-4, ông Trump “phát pháo”: “Hãy trả tự do cho bang Minnesota”. Tiếp đó, ông kêu gọi hành động tương tự ở Michigan và Virginia. Cả ba bang hiện đang đứng đầu bởi các thống đốc thuộc đảng Dân chủ và Michigan được coi là rất quan trọng đối với cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.

Đáp lại lời kêu gọi nêu trên, Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer nói: “Chúng tôi sẽ kích hoạt lại nền kinh tế khi cảm thấy an toàn”. Tổng thống Trump hôm 17-4 cũng chỉ trích 4 thống đốc Dân chủ vì cách ứng phó dịch bệnh. Tại một cuộc họp báo, Thống đốc New York Andrew Cuomo chỉ trích cách ứng phó dịch của chính quyền Tổng thống Trump. Vị thống đốc thuộc đảng Dân chủ này nói rằng ông Trump “có thể nên thức dậy và làm việc”, thay vì xem truyền hình.

Người biểu tình bang Michigan mang theo súng. Ảnh: AP

Trước đó, khi bàn cãi về cách thức và thời điểm các bang Mỹ nên nối lại các hoạt động kinh tế, bùng lên đợt sóng giữa một bên là Tổng thống Trump và một bên là các thống đốc bang mà ông Trump ám chỉ là “kẻ nổi loạn”. Tổng thống Trump muốn áp đặt ngừng cách ly xã hội nhưng bị ngay cả một số người trung thành phản bác.

Tuy nhiên theo Aljazeera, những dòng tweet mới nhất của ông Trump trái ngược với phát ngôn trước đó của ông Trump. Khi được hỏi về các cuộc biểu tình hôm 16-4, ông Trump nói rằng ông đứng về phía các thống đốc. Phản ứng trước các tweet của Trump, Thống đốc bang Washington Jay Inslee, một thành viên đảng Dân chủ, đã cáo buộc tổng thống khuyến khích “các hành vi bất hợp pháp và nguy hiểm”. Theo Thống đốc bang Washington, lời kêu gọi của ông Trump có thể châm ngòi bạo lực và ông Jay Inslee từng chứng kiến điều đó trước đây. “Tổng thống đang thúc đẩy cuộc nổi loạn trong nước và truyền bá những lời dối trá” – ông Jay Inslee nói.

Phòng chăm sóc đặc biệt tại trung tâm y tế St. Vincent ở Los Angeles. Ảnh: AP

Cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa đã xuất hiện ở 6 bang của nước Mỹ trong vài ngày gần đây. Các bang Michigan, Ohio, Kentucky, Minnesota, Carolina Bắc và Utah đều ghi nhận hàng trăm, hàng ngàn người biểu tình kêu gọi dỡ bỏ dần các quy định giãn cách xã hội, mở cửa các hoạt động kinh tế trở lại. Thậm chí, nhiều cư dân bang Michigan còn mang theo vũ khí khi xuống đường biểu tình. Người dân bang New Jersey đã diễu hành bằng xe hơi trước văn phòng của Thống đốc Phil Murphy.

Bất chấp diễn biến vẫn còn phức tạp, bang Texas là bang đầu tiên công bố kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa. Việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh sẽ được thông báo vào ngày 27-4 nhưng Thống đốc Greg Abbott cho biết các cơ sở bán lẻ có thể hoạt động từ ngày 24-4. Công viên được mở cửa trở lại từ ngày 20-4, dân Texas có thể ra vào với điều kiện đeo khẩu trang hoặc che mặt. Các bệnh viện được phép thực hiện các ca phẫu thuật không phải cấp cứu từ đầu tuần sau.

Người biểu tình phản đối kéo dài lệnh phong tỏa ở Mỹ. Ảnh: Reuters

Tính đến sáng 18-4, nước Mỹ đứng đầu với hơn 37.000 ca tử vong vì Covid-19, Ý hơn 22.000 ca và Tây Ban Nha hơn 20.000, trong khi số người chết toàn cầu đã vượt qua mốc 154.000. Tổng số người chết ở bang California ngày 17-4 vượt qua mốc 1.000. Đây là bang thứ 8 ở Mỹ tăng đến cột mốc đó và cũng là bang đầu tiên ở bờ Tây nước Mỹ ghi nhận số người chết cao tới mức này. Số ca bệnh mới ở Mỹ tăng thêm trong 3 ngày liên tiếp. Mức tăng thêm 32.000 ca ngày 17-4 là cao nhất kể từ kỷ lục tăng 35.715 ca một ngày ghi nhận ngày 10-4.

Trước tình hình hiện nay, Tổng thống Trump ngày 17-4 công bố gói giải cứu tài chính 19 tỉ USD để giúp đỡ ngành nông nghiệp Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn. Chương trình này sẽ gồm các khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, chủ trang trại, các nhà sản xuất mà theo ông Trump chịu những tổn thất chưa có tiền lệ trong dịch Covid-19. Trước đó, Thống đốc New York cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump thiên vị ngành hàng không và một số ngành khác trong gói cứu trợ mới đây khiến ngân sách hỗ trợ các bang còn rất ít.


H.Bình (Theo Aljazeera, CNN)