Chỉ vài ngày sau khi TP Uppsala – Thuỵ Điển ban lệnh cấm đến nhà dưỡng lão vào ngày 3-4, anh Magnus Bondesson bắt đầu cảm thấy lo lắng. “Nhà dưỡng lão cho tôi và mẹ gọi video và đó là lúc tôi nhìn thấy 2 nhân viên. Họ không đeo khẩu trang lẫn găng tay. Vài ngày sau, tôi gọi lại lần nữa và hỏi các nhân viên tại sao không dùng khẩu trang và họ trả lời rằng họ chỉ đang tuân theo hướng dẫn” – anh Bondesson nói.

Cũng trong tuần đó, truyền thông địa phương công bố rất nhiều báo cáo về tình trạng các nhà dưỡng lão bị virus tấn công tồi tệ như thế nào. Có hàng trăm ca bệnh được xác nhận tại các nhà dưỡng lão ở thủ đô Stockholm, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, và những nơi khác trong nước.

Kể từ đó, chính phủ Thuỵ Điển chịu sức ép phải giải thích vì sao 1/3 số ca tử vong là người già sống trong nhà dưỡng lão dù họ đã nêu mục đích chính là bảo vệ người cao tuổi khỏi Covid-19.

Thủ đô Stockholm vẫn đông đúc dù dịch Covid-19 đang lây lan. Ảnh: Reuters

Vào tuần trước, khi Cơ quan Y tế Công cộng thông báo số người tử vong lên tới 1.333 người, nhà dịch tễ học Anders Tegnell, tác giả của biện pháp chống dịch khá thoải mái ở Thuỵ Điển, mới thừa nhận rằng tình hình ở các nhà dưỡng lão thật sự đáng lo ngại. Thủ tướng Stefan Lofven cũng đồng tình với ý kiến này và thông báo một số biện pháp mới để tăng cường bảo vệ người già rồi ra lệnh cho thanh tra y tế điều tra.

Bà Lena Einhorn, một nhà virus học và cũng là người dẫn đầu những nhà phê bình trong nước về chính sách chống dịch của Thuỵ Điển, trả lời phỏng vấn tờ Observer rằng chính phủ và cơ quan y tế vẫn phản đối những lời giải thích rõ ràng nhất.

“Họ phải thừa nhận rằng đó là một thất bại lớn khi luôn nói rằng mục tiêu chính là bảo vệ người cao tuổi. Nhưng điều thật sự kỳ lạ là họ vẫn không thừa nhận điều có khả năng xảy ra. Họ chỉ nói rằng thật đáng tiếc, họ đang điều tra và đây là vấn đề đào tạo nhân viên chứ không thừa nhận rằng sự lây lan trước triệu chứng hay không có triệu chứng là một yếu tố” – bà Einhorn chỉ trích.

Được biết, lời khuyên của cơ quan y tế cho những người quản lý và làm việc tại nhà dưỡng lão cũng giống như chính sách chung dành cho xã hội. Lời khuyên này dựa vào phán đoán cho rằng “sự lây lan từ những người không có triệu chứng chỉ chiếm một phần rất nhỏ” trong số những người mắc bệnh.

Các trường học, quán cà phê, nhà hàng, quán bar ở Thuỵ Điển vẫn được phép mở cửa. Ảnh: BBC

Vì vậy, các nhân viên chăm sóc và y tá tại nhà dưỡng lão được khuyên không nên dùng khẩu trang hay các thiết bị bảo hộ khác nếu họ không tiếp xúc với người bị nghi nhiễm bệnh. Nếu phát hiện bản thân có bất kỳ triệu chứng nào, những nhân viên này được khuyên nên ở nhà.

“Tại nơi tôi làm việc, chúng tôi không hề có khẩu trang và chúng tôi đang tiếp xúc với những người dễ nhiễm bệnh nhất. Chúng tôi cũng không có nước rửa tay mà chỉ có xà phòng. Vậy đấy. Tất cả mọi người đều lo lắng” – một nhân viên chăm sóc tại viện dưỡng lão chia sẻ.

Einhorn là một trong 22 nhà nghiên cứu kêu gọi các chính trị gia Thụy Điển phá vỡ chính sách ủy thác cho các cơ quan chuyên gia và giành quyền kiểm soát chiến lược chống dịch Covid-19 của Thụy Điển từ cơ quan này vào ngày 14-4.

Bà lập luận rằng lý do khiến Thuỵ Điển có số ca nhiễm tại nhà dưỡng lão cao hơn nhiều so với Na Uy và Phần Lan là vì quyết định không đóng cửa trường học, nhà hàng và quán bar của chính phủ.

Một công viên ở Stockholm vào ngày 5-4. Ảnh: AP

Đồng nghiệp của ông Tegnell, bà AnnaSara Carnahan nói với đài Sveriges Radio rằng số ca tử vong trong các nhà dưỡng lão “có thể thấp hơn con số thực” vì các đơn vị y tế kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong khu vực báo cáo rằng có nhiều người qua đời mà không được xét nghiệm.

Dù vậy, các nhà dịch tễ học hàng đầu Thuỵ Điển cho rằng cách chống dịch khác thường của nước họ đang bắt đầu có kết quả. Tiến sĩ Tegnell nói với truyền thông địa phương ngày 20-4 rằng những số liệu mới nhất về tỉ lệ lây nhiễm và người tử vong cho thấy tình hình đang bắt đầu ổn định.

Thuỵ Điển vẫn mở cửa trường học, phòng gym, quán cà phê, quán bar và nhà hàng mở cửa trong suốt thời gian vừa qua. Thay vào đó, chính phủ thúc giục người dân hành động có trách nhiệm và tuân theo hướng dẫn giãn cách xã hội.

Chưa rõ hiệu quả

Sự lây lan của Covid-19 trên khắp thế giới đã tạo ra những phản ứng khác nhau ở các nước và cả biên giới các nước. Vẫn chưa rõ chiến lược nào sẽ chứng minh được hiệu quả tối ưu và ngay cả các chuyên gia ở Thuỵ Điển cũng cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận. Nhưng với những thiệt hại kinh tế mà biện pháp phong toả nghiêm ngặt gây ra, cách tiếp cận của Thuỵ Điển đã thu hút không ít chú ý từ thế giới.

Một phần của cách tiếp cận này dựa trên một trong những hệ thống chăm sóc sức khoẻ hoạt động tốt nhất thế giới. Thuỵ Điển chưa bao giờ thật sự thiếu hụt thiết bị y tế hay sức chứa của bệnh viện. Trong khi đó, những căn lều được tạo ra với vai trò cơ sở chăm sóc khẩn cấp trên khắp nước phần lớn đều vắng vẻ.

Tính đến ngày 22-4 (giờ Việt Nam), Thuỵ Điển đã ghi nhận 15.322 ca nhiễm bệnh và 1.765 người chết. Con số này cao hơn đáng kể so với các nước Scandinavia khác nhưng ít hơn rất nhiều so với Ý, Tây Ban Nha và Anh.


Bảo Hạnh (Theo Guardian, Straits Times)