Báo The Sydney Morning Herald đưa tin khoảng 100.000 ca mắc mới mỗi ngày kể từ đầu tháng 10, so với mức trung bình 47.500 ca vào tháng 9. Với con số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày kỷ lục này, châu Âu đã vượt qua Mỹ – vốn ghi nhận trung bình hơn 51.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày.

Hầu hết chính phủ các nước châu Âu đã nới lỏng việc đóng cửa trong mùa hè, bắt đầu phục hồi các nền kinh tế đã bị tàn phá bởi làn sóng đầu tiên của đại dịch. Thế nhưng, điều này làm gia tăng đột biến các trường hợp mắc Covid-19 trên khắp lục địa già.

Chính phủ các nước châu Âu đang thực thi những biện pháp giới hạn mới trước sự tấn công của làn sóng dịch Covid-19 mới. Ảnh: AP

Trước áp lực dịch bệnh trở lại, các quán bar và quán rượu nằm trong số những địa điểm đầu tiên phải đóng cửa trong các đợt tăng cường ngăn chặn Covid-19 mới. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã triển khai biện pháp “phong tỏa một phần” trên toàn quốc, đặc biệt tại hai điểm nóng là Amsterdam và Rotterdam, bắt đầu từ 22 giờ ngày 14-10.

Các hoạt động giải trí về đêm đều bị hủy hoặc đình chỉ, cấm bán rượu sau 20 giờ. Hạn chế tụ tập ở các địa điểm công cộng ngoài trời, giới hạn ở mức 4 người và bắt buộc đeo khẩu trang đối với người từ 13 tuổi trở lên. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình chỉ được tiếp không quá 3 người khách/ngày.

Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson ra lệnh đóng cửa các quán bar và quán rượu ở những khu vực bị dịch hoành hành nặng nhất. Ở Bồ Đào Nha, các biện pháp cứng rắn hơn sẽ được áp dụng từ ngày 15-10, bao gồm quy định nghiêm ngặt hơn về chuyện tụ tập và có hình phạt nặng hơn nếu ai vi phạm. Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa đang xúc tiến ban luật đeo khẩu trang hay đồ che mặt toàn quốc và bắt buộc sử dụng ứng dụng theo dõi sức khỏe.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên kế hoạch siết chặt các biện pháp phòng dịch, với Paris và những thành phố khác có thể bị áp lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Chính phủ Đức thông báo các quán bar và nhà hàng ở những khu vực có nguy cơ cao hơn phải đóng cửa sớm, ra lệnh tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch từ ngày 14-10 khi nước này ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm mới, con số tăng vọt kể từ tháng 4.

Ngân hàng Thế giới đã thông qua gói ứng cứu trị giá 12 tỉ USD trong nỗ lực hỗ trợ các quốc gia đang phát triển mua và phân phát vắc-xin ngừa Covid-19. Ảnh: CNN

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trở thành nhà lãnh đạo mới nhất trên thế giới buộc phải cách ly sau khi tiếp xúc người nhiễm Covid-19. Số ca bệnh mới trong ngày ở nước này hôm 14-10 tăng lên mức kỷ lục là 6.526 ca trong vòng 24 giờ.

Các nền kinh tế lớn của châu Âu như Đức, Anh và Pháp cho đến nay vẫn không có ý đóng cửa trường học. Hà Lan phong tỏa một phần, đóng cửa các quán bar và nhà hàng, song vẫn mở cửa các trường học.

Trường học ở Cộng hòa Czech đã chuyển sang đào tạo từ xa và có kế hoạch kêu gọi hàng ngàn sinh viên y khoa hỗ trợ khi cần thiết. Các bệnh viện đang cắt giảm các thủ tục y tế, nỗ lực “giải phóng” giường bệnh.

Nga cấp phép vắc-xin Covid-19 thứ hai

Tổng thống Vladimir Putin thông báo tại cuộc họp chính phủ trực tuyến hôm 14-10 rằng vắc-xin Covid-19 thứ hai của Nga có tên EpiVacCorona đã được phê duyệt. Vắc-xin này do Viện Vector ở Siberia, từng là phòng thí nghiệm nghiên cứu vũ khí sinh học của Liên Xô, phát triển. .

Ông Putin cho biết Phó Thủ tướng Tatyana Golikova và lãnh đạo cơ quan giám sát an toàn người tiêu dùng Nga Anna Popova đã tiêm EpiVacCorona trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Theo thông tin phía Nga, viện Vector đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một với EpiVacCorona từ tháng trước, với sự tham gia của 100 tình nguyện viên từ 18-60 tuổi. Các tình nguyện viên đều ổn, không ai gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tổng thống Putin cho biết thêm vắc-xin Covid-19 thứ ba của Nga, do Trung tâm Chumakov phát triển, cũng sẽ được cấp phép trong tương lai gần.

Hồi tháng 8, Sputnik V, do Viện Gameleya phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga phát triển, trở thành vắc-xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới được chính phủ phê duyệt dù chưa hoàn tất thử nghiệm giai đoạn ba.


H.Bình

Chia sẻ