Trong một cuộc họp báo ngày 3-2, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson giải thích rằng do hiểu rõ hơn về biến thể Omicron và tỉ lệ tiêm chủng tốt nên nước này có thể dỡ bỏ mọi biện pháp chống dịch. Bà Andersson nói: “Đã đến lúc mở cửa cho Thụy Điển. Đại dịch vẫn chưa kết thúc nhưng Covid-19 đang chuyển sang một giai đoạn mới”.

Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển cho biết họ đã đánh giá lại Covid-19 là không nghiêm trọng về mặt xã hội, không lâu sau khi Đan Mạch hướng tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Mặc dù đang dỡ bỏ các quy định chống dịch nhưng chính phủ Thụy Điển khuyến cáo những ai chưa tiêm phòng vẫn nên tránh những nơi đông người, bất kỳ ai có các triệu chứng của Covid-19 nên ở nhà.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Thụy Điển vẫn đang có tỉ lệ lây nhiễm cao, dù 73,9% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, Thụy Điển ghi nhận hơn 2,2 triệu ca nhiễm và 15.991 ca tử vong.

Người dân xếp hàng tiêm vắc-xin Covid-19 tại nhà ga TP Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: Reuters

Việc quay trở lại cuộc sống bình thường đang bắt đầu diễn ra trên khắp châu Âu. Từ ngày 2-2, Pháp bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, trong đó có ngừng bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời, khi tình hình dịch dần ổn định. Nước Anh cũng đang loại bỏ gần như tất cả biện pháp hạn chế còn lại.

Na Uy, Đan Mạch và Hà Lan cũng dỡ bỏ các quy định chống dịch còn lại của họ bất chấp số ca bệnh gia tăng. Giới chức ở những nước này giải thích rằng số ca nhiễm tăng vọt không dẫn đến số ca nhập viện tăng vọt.

Thủ tướng Na Uy Gahr Stoere lưu ý: “Chúng tôi được bảo vệ tốt bởi vắc-xin”. Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho rằng họ có thể nới lỏng các quy định về Covid-19 bởi vì biến thể Omicron ít gây ra bệnh nặng và nhập viện trong bối cảnh nhiều nước đạt tỉ lệ tiêm chủng cao.

Giới chức Nhật Bản lo ngại tốc độ gia tăng số ca nhiễm Covid-19 có thể làm quá tải hệ thống y tế. Ảnh: Kyodo News

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đang xem xét gia hạn tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19 trong 2 tuần giữa lúc ca nhiễm tăng. Trong số 34 địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, có 13 địa phương, bao gồm cả thủ đô Tokyo, sẽ hết hạn vào ngày 13-2.

Nhật Bản tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới kỷ lục với 94.771 ca vào ngày 2-2, tăng so với 80.000 ca của một ngày trước. Số người chết trung bình trong 7 ngày đạt mức cao nhất trong hơn 4 tháng qua, theo dữ liệu từ Our World in Data. Riêng ở thủ đô Tokyo, tỉ lệ sử dụng giường bệnh tại các cơ sở y tế là 50,7%, lần đầu tiên vượt mốc 50% kể từ khi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 6.

Ông Takaji Wakita, người đứng đầu Viện quốc gia Nhật Bản về các bệnh truyền nhiễm (NIID), ngày 3-2 cho biết: “Dịch bệnh sẽ tiếp tục lây nhiễm trong một thời gian và khó xác định thời điểm đạt đỉnh của làn sóng lây nhiễm lần này”. Theo kênh truyền hình FNN, nhóm chuyên gia tư vấn cho chính quyền Tokyo nâng cảnh báo hệ thống y tế Covid-19 lên mức cao nhất trong 4 mức vào ngày 3-2.

Hiện tại, chính phủ Nhật Bản đang bày tỏ sự thận trọng trước quyết định có ban bố tình trạng khẩn cấp hay không đối với thủ đô Tokyo. Trước đây, trả lời họp báo ngày 31-1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumido cho biết ông chưa xem xét đến khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại.


Huệ Bình

Chia sẻ