Châu Âu, khu vực đầu tiên chạm mốc 25 triệu ca nhiễm hồi tuần rồi, vẫn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo sau là Bắc Mỹ và Mỹ Latin, với lần lượt 22,4 triệu ca nhiễm và 16,3 triệu ca nhiễm.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang tuần rồi lần đầu tiên nhất trí áp lệnh cấm hoạt động đi lại không thiết yếu tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề trên toàn quốc, sau khi lệnh phong tỏa được ban bố vào cuối năm ngoái không thể làm chậm đáng kể tốc độ lây lan của virus. Giới chức Pháp cũng đã áp lệnh giới nghiêm buổi tối nghiêm ngặt hơn ở TP Marseille vì biến thể mới.

Tại châu Á, Ấn Độ tuần rồi trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới vượt mốc 150.000 ca tử vong. Quốc gia Nam Á này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 2 loại vắc-xin và sẽ bắt đầu tiêm chủng vào ngày 16-1.

Người dân đeo khẩu trang mua thực phẩm tại một khu chợ ở Bắc Kinh – Trung Quốc hôm 11-1, sau khi tỉnh Hà Bắc lân cận phát hiện dụm dịch mới Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo quốc gia này ghi nhận 103 ca nhiễm mới vào ngày 10-1, mức tăng kỷ lục trong 5 tháng trở lại đây, trong đó có 82 ca lây nhiễm cộng đồng đến từ tỉnh Hà Bắc.

Chính quyền các địa phương đã áp lệnh hạn chế khắc nghiệt hơn, như cấm phương tiện và người dân di chuyển ra – vào Thạch Gia Trang, thủ phủ của Hà Bắc. Lệnh cấm tương tự cũng đã được ban bố tại huyện Vọng Khuê của tỉnh Hắc Long Giang, nơi ghi nhận 8 ca nhiễm không triệu chứng vào ngày 11-1.

Thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu lao dốc khi các ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhiều nơi.


Lộc Minh

Chia sẻ