Trước thềm Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra từ ngày 6 đến 18-11 tại Ai Cập, nhiều tổ chức và quốc gia đã tiết lộ các chủ điểm họ sẽ đấu tranh quyết liệt tại bàn đàm phán.

Ngày 6-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố y tế phải là trung tâm trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu tại COP27. Báo cáo kèm theo mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO nêu bật “lời nhắc nhở nghiệt ngã”:

Trong những năm 2030-2050, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ gây ra khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và nắng nóng. Chi phí thiệt hại trực tiếp cho sức khỏe do nguyên nhân biến đổi khí hậu ước tính khoảng 2-4 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030.

Điều này chỉ có thể được giải quyết bằng cam kết giảm phát thải nhằm duy trì mục tiêu nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp của Thỏa thuận Paris.

Trung tâm Hội nghị quốc tế Sharm El Sheikh ở khu nghỉ mát Biển Đỏ của Ai Cập, nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP27Ảnh: REUTERS

Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu đang làm cho hàng triệu người ốm yếu hoặc dễ mắc bệnh hơn, bên cạnh sự tàn phá ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng không tương xứng đến các cộng đồng nghèo và bị thiệt thòi”.

Theo WHO, những thay đổi trong việc sử dụng đất và phát triển đô thị nhanh chóng đưa con người xâm lấn sâu hơn vào môi trường sống của động vật, gia tăng cơ hội cho các loại virus có hại chuyển đổi vật chủ từ động vật sang con người – điều từng khởi nguồn cho các tình trạng khẩn cấp toàn cầu như COVID-19 và đậu mùa khỉ.

Chính các cộng đồng chịu “ảnh hưởng không tương xứng” mà TS Tedros đề cập – tức các nước nghèo, phát thải ít nhưng hứng chịu nhiều thảm họa hơn như sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt, cuồng phong… do vị trí địa lý và từ khối khí thải chủ yếu từ các nước giàu có – dự kiến sẽ làm nóng COP27 bằng yêu cầu “bồi thường tổn thất và thiệt hại”, theo bài phân tích ngày 6-11 của Reuters.

Theo một báo cáo hồi tháng 6-2022 của 55 quốc gia dễ bị tổn thương nhất, ước tính tổng thiệt hại liên quan khí hậu của họ trong 2 thập kỷ qua là 525 tỉ USD, tương đương 20% GDP của nhóm này. Thiệt hại có thể là 580 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030 và họ mạnh mẽ yêu cầu các quốc gia giàu có, phát thải nhiều phải thể hiện trách nhiệm.

Đề xuất thành lập một quỹ bồi thường khí hậu đã được bàn đến từ năm ngoái nhưng bị chặn lại bởi Mỹ và Liên minh châu ÂU (EU), kèm theo đề nghị về một chính sách “đối thoại” mềm hơn. Theo Reuters, tháng trước, Mỹ và EU đã có dấu hiệu cởi mở hơn trong thảo luận về bồi thường khí hậu tại COP27 nhưng vẫn thận trọng với việc lập quỹ. 

Gây “chết chóc” hơn ung thư, đột quỵ

Một nghiên cứu mới công bố hôm 4-11 của Chương trình Phát triển LHQ và Phòng Thí nghiệm Tác động khí hậu đã chỉ ra ở một số vùng dễ tổn thương nhất.

Tại vùng Faisalabad – Pakistan, biến đổi khí hậu gây nên 67 ca tử vong trên 100.000 dân, nhiều hơn đột quỵ. Còn tại Riyadh – Ả Rập Saudi, tỉ lệ này là 35 ca tử vong/100.000 dân, cao hơn Alzheimer – nguyên nhân tử vong sớm hàng thứ 6 thế giới. Đến năm 2100, ở Dhaka – Bangladesh, số ca tử vong do biến đổi khí hậu sẽ gấp đôi số tử vong do tất cả các bệnh ung thư cộng lại của cả nước, gấp 10 lần số tử vong do tai nạn đường bộ hiện nay.

Biến đổi khí hậu kèm với nhiệt độ gia tăng cũng tạo ra khủng hoảng năng lượng và hủy hoại sinh kế, tác động sâu sắc đến đời sống người dân ở nhiều vùng, nhất là châu Á, châu Phi.


ANH THƯ