Theo Reuters, cảnh sát đã sử dụng khí cay và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông tại thị trấn Lashio thuộc bang Shan. Các cuộc biểu tình đông đảo nhất diễn ra ở TP Mandalay, nơi các nhà hoạt động mặc niệm cho những người biểu tình đã thiệt mạng.

Biểu tình cũng nổ ra tại ít nhất 3 địa điểm thuộc TP Yangon, nơi lực lượng an ninh truy quét, nổ súng và bắt giữ 3 người trong đêm 6-3, nâng tổng số người bị bắt giữ lên hơn 1.700. Trong khi đó, theo Liên Hiệp Quốc, hơn 50 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối quân đội Myanmar lật đổ và bắt giữ lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi hôm 1-2.

Người biểu tình tại thị trấn Nyaung-U ở Myanmar hôm 7-3 Ảnh: REUTERS

Tình hình căng thẳng ở Myanmar đang khiến cộng đồng quốc tế đối mặt sức ép gia tăng về việc áp lệnh trừng phạt bổ sung lên chính quyền quân sự nước này. Dù vậy, mọi chuyện đang trở nên phức tạp hơn vì nỗi lo động thái trừng phạt có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân Myanmar. Giới chuyên gia nhấn mạnh cộng đồng quốc tế vẫn có thể gia tăng sức ép lên chính quyền quân sự Myanmar bằng cách ngăn chặn nguồn tiền và việc tiếp cận các công cụ dùng để đối phó người biểu tình.

Ông Thomas Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar, đang kêu gọi ban bố lệnh cấm giao dịch với nhiều công ty Myanmar liên quan đến quân đội nước này, cũng như lệnh cấm vận vũ khí và công nghệ, các sản phẩm và dịch vụ có thể được giới chức nước này sử dụng cho mục đích giám sát và bạo lực.

Trong khi đó, ông Ari Ben-Menashe, một nhà vận động hành lang được chính quyền quân sự Myanmar thuê để hỗ trợ đối thoại, hôm 6-3 khẳng định các tướng lĩnh Myanmar sẵn sàng bỏ lại chính trường phía sau để cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây. 


Cao Lực

Chia sẻ