Giám đốc điều hành AMTI Gregory Poling phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến hôm 14-4 do Hiệp hội Phóng viên nước ngoài ở Philippines (Focap) tổ chức: “Ý định của Trung Quốc là áp đảo khu vực thông qua hải quân, tuần duyên và đội tàu đánh cá dân quân biển”.

Theo ông Poling, dịch bệnh Covid-19 không ngăn chặn được mưu đồ của Trung Quốc nhằm làm suy yếu các bên tranh chấp ở biển Đông. “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy tình hình hiện nay không có gì khác biệt so với những gì Trung Quốc đã làm cách đây 6 tháng. Bắc Kinh có ý định lâu dài là chiếm quyền kiểm soát tất cả vùng biển, đáy biển và vùng trời ở biển Đông” – ông Poling nói.

Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cá Philippines trong một sự cố ở biển Đông. Ảnh: AP

Vị chuyên gia hàng đầu về biển Đông nhận định trong khi thể hiện sự thân thiện bằng cách hỗ trợ đồ bảo hộ, vật tư y tế và chuyên gia y tế giúp ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động gây hấn ở biển Đông.

Tại các vùng biển xảy ra nhiều tranh chấp, tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc tiếp tục đe dọa các tàu quân sự, tàu đánh cá cùng với các giàn khoan dầu khí của những nước khác.

Hồi tháng trước, Bắc Kinh mở 2 trạm nghiên cứu ở Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi (đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), 2 trong số 7 căn cứ quân sự nhân tạo phi pháp của nước này. Một máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc cũng được phát hiện ở Đá Chữ Thập vào tháng 3, dấu hiệu khác cho thấy hoạt động không ngừng nghỉ của Trung Quốc khi thế giới đang chống dịch bệnh Covid-19.

Ông Poling cho rằng bất chấp những hành động hung hăng, Bắc Kinh vẫn đang tránh đối đầu trực diện với các nước khác ở biển Đông. Chiến thuật của Trung Quốc là muốn các bên liên quan đến tranh chấp thất vọng rồi từ bỏ.

Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon cũng cho biết hơn 130 tàu cá Trung Quốc xuất hiện tại Đảo Thị Tứ kể từ đầu năm nay.


Phạm Nghĩa (Theo Inquirer, CNN Philippines)