Ông Rao Yi, một thành viên trong ủy ban chuyên gia của Dự án Bộ não Trung Quốc (CBP) trị giá 100 tỉ nhân dân tệ (15,8 tỉ USD), chia sẻ trên mạng xã hội rằng ủy ban này có quá nhiều quyền lực, khiến quyết định của họ không còn tính công bằng, dẫn đến tình trạng nhiều dự án được tài trợ dù mang lại ít giá trị khoa học.

Ông Rao, chủ tịch Trường ĐH Y khoa Thủ đô (Bắc Kinh), cho biết ủy ban trên có khoảng 20 chuyên gia và “ai cũng có thể giúp viện nghiên cứu của riêng họ, người của riêng họ nhận được khoản tài trợ lớn”.

“Các thành viên trong ủy ban có xu hướng tránh phản đối đề xuất của thành viên khác để đề xuất của riêng họ được dễ dàng thông qua. Kinh phí tài trợ cho những đề xuất này dao động từ hàng chục đến hàng trăm triệu nhân dân tệ” – ông Rao nói.

Ông Rao Yi là một trong những người hiếm hoi trong cộng đồng khoa học Trung Quốc lên tiếng phản đối một vài chính sách khoa học của chính phủ nước này. Ảnh: SCMP

“Ủy ban chuyên gia dường như tin rằng việc thảo luận khoa học gây ra quá nhiều vấn đề và mọi cuộc tranh luận đều là một sự lãng phí thời gian. Họ dường như cho rằng các thành viên nên bỏ qua giai đoạn thảo luận để duyệt tiền nhanh nhất có thể. Tôi đã được chứng kiến tận mắt” – chuyên gia này khẳng định.

Cũng theo ông Rao, hầu hết tiền được chuyển đến một vài viện nghiên cứu; một vài nhà nghiên cứu không đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm làm trưởng dự án trong khi một số lĩnh vực nghiên cứu ít tiềm năng lại được hậu thuẫn tích cực.

Một chuyên gia giấu tên của Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) khẳng định bình luận của ông Rao là chính xác và đó “chỉ là phần nổi của tảng băng”.

CBP được triển khai vào tháng 9-2021 và được tài trợ cho đến năm 2030, với mục tiêu khuyến khích giới khoa học trên khắp cả nước chung tay để tạo đột phá ở 59 lĩnh vực, từ công nghệ hình ảnh não bộ đến trí tuệ nhân tạo (AI).


Cao Lực

Chia sẻ