Chỉ số Nasdaq Composite đã giảm gần 4,2% xuống 12.334,64 điểm sau báo cáo thua lỗ của Amazon trong quý 1/2022. Theo CNBC, chỉ số S&P 500 giảm 3,6% xuống 4.131,93 điểm trong khi chỉ số Dow Jones giảm 2,8% xuống 32.977,21 điểm.

Tính trong cả tháng 4, chỉ số Nasdaq đã giảm hơn 13%, đánh dấu mức giảm theo tháng sâu nhất kể từ tháng 10-2008. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng giảm gần 9% trong tháng này – kết quả tồi tệ nhất từ tháng 3-2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Mỹ.

Các nhà giao dịch làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở TP New York. Ảnh: Reuters

Thị trường chứng khoán đã kết thúc một tháng ảm đạm trong bối cảnh các nhà đầu tư phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), lãi suất tăng, lạm phát dai dẳng, số ca mắc Covid-19 tăng đột biến ở Trung Quốc và cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Cổ phiếu Amazon đã giảm khoảng 14%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2006 trong khi cổ phiếu của Apple giảm khoảng 3,7% sau khi ban lãnh đạo hãng này cho biết những hạn chế về chuỗi cung ứng có làm giảm doanh thu quý 3 tới.

Tất cả 11 chỉ số ngành thuộc S&P 500 đều giảm. Nỗi lo trên thị trường chứng khoán Mỹ gia tăng khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân – thước đo lạm phát của FED – đã tăng 0,9% trong tháng 3 sau khi tăng 0,5% vào tháng 2.

Theo Reuters, FED dự kiến ​​sẽ họp vào tuần tới trong khi giới quan sát cho rằng FED sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản để chống lại lạm phát đang gia tăng. Các dấu hiệu của việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ, xung đột ở Ukraine và việc phong toả nhằm phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.


Xuân Mai