Kỷ nguyên cầm quyền của ông Benjamin Netanyahu đã chấm dứt vào ngày 13-6, khi quốc hội Israel phê duyệt chính phủ liên minh mới do lãnh đạo đảng cực hữu Yamina Naftali Bennett đứng đầu, với kết quả bỏ phiếu sít sao 60-59.

Theo Reuters, tân Thủ tướng Bennett lên kế hoạch tập trung giải quyết những vấn đề trong nước liên quan đến tôn giáo, chi phí sinh hoạt và chất lượng cuộc sống, với sự hỗ trợ của Bộ trưởng Ngoại giao Yair Lapid, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, Bộ trưởng Tài chính Avigdor Lieberman và Bộ trưởng Tư pháp Gideo Saar…

Suốt 15 năm nắm quyền, bao gồm 12 năm liên tiếp, ông Netanyahu là nhân vật định hình Israel mạnh mẽ nhất trong thế kỷ XXI. Mặc dù gặt hái được nhiều chiến thắng ngoại giao quan trọng, bao gồm “Hiệp định Abraham”, để bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Morocco, cựu Thủ tướng Netanyahu bị phe chỉ trích mô tả là một nhân vật gây chia rẽ với nhiều hành vi phạm tội, hủy hoại quy tắc pháp luật bằng việc tiếp tục tại vị trong lúc bị xét vử về cáo buộc tham nhũng.

Tổng thống Reuven Rivlin (giữa) chụp ảnh cùng Thủ tướng Naftali Bennett (trái) và chính phủ liên minh mới của Israel hôm 14-6 tại Jerusalem Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố đầu tiên về tình hình chính trị Israel vào ngày 13-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chúc mừng Thủ tướng Bennett trước khi điện đàm cho nhà lãnh đạo 49 tuổi. Xuyên suốt cuộc điện đàm này, theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền Thủ tướng Bennett về mọi nỗ lực xúc tiến hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho Israel và Palestine.

Giới chuyên gia khẳng định với báo The New York Times rằng đây là tín hiệu cho thấy chính quyền Thủ tướng Bennett sẽ tập trung khôi phục hướng tiếp cận truyền thống của Israel để tìm kiếm sự ủng hộ từ lưỡng đảng Mỹ, sau nhiều năm căng thẳng với phe Dân chủ.

Theo chuyên gia Nimrod Goren của Trường ĐH Hebrew ở Jerusalem, chính phủ mới có thể tạo ra những bước tiến đáng kể trong chính sách ngoại giao của Israel. Bộ trưởng Ngoại giao Lapid – người sẽ lên nắm quyền thay thế Thủ tướng Bennett vào năm 2023 – đã sẵn sàng cho vị trí này từ lâu nhờ kinh nghiệm, các mối quan hệ và kế hoạch cải tổ ngoại giao Israel.

Sự góp mặt của đảng Lao động và đảng Meretz trong chính phủ liên minh mới cũng sẽ góp phần đưa ngoại giao trở lại vị trí đúng đắn trong quá trình ra quyết định ở Israel. Nghị sĩ từ 2 đảng này thường xuyên thách thức hướng tiếp cận ngoại giao của cựu Thủ tướng Netanyahu, đồng thời thúc đẩy những mô hình mới nhằm hướng đến chính sách ngoại giao ủng hộ hòa bình, đa khu vực, mang tính chủ nghĩa quốc tế và hiện đại.

Chuyên gia Goren nhấn mạnh chính phủ liên minh mới hoàn toàn có thể đạt được sự đồng thuận về hàng loạt mục tiêu ngoại giao cấp bách, bao gồm khôi phục kênh đối thoại Israel – Palestine; tận dụng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với các nước Ả Rập để tiến đến hợp tác song phương và khu vực…

Dù vậy, nhà phân tích Elham Fakhro của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) dự đoán quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập láng giềng gần như sẽ không thay đổi. Phần lớn cư dân ở các nước Ả Rập vẫn còn phản đối sự tồn tại của Israel cũng như việc quốc gia này phong tỏa Dải Gaza và chiếm đóng Bờ Tây trong nhiều thập kỷ. Điều này khiến họ chẳng mấy quan tâm đến chính trị nội bộ Israel, đặc biệt là khi những thay đổi đáng kể đối với những chính sách nêu trên không được bàn đến.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh ngày 14-6 tuyên bố Tehran sẽ không thay đổi hướng tiếp cận đối với chính phủ mới của Israel. Tương tự, Văn phòng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh thay đổi chính phủ là vấn đề nội bộ của Israel và những yêu cầu của Palestine dành cho quốc gia này là không thay đổi. 


CAO LỰC

Chia sẻ