Nếu được Quốc hội thông qua trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào đầu tuần tới, thỏa thuận này sẽ chấm dứt 12 năm nắm quyền liên tiếp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Khi đó, ông Lapid sẽ giữ chức thủ tướng luân phiên cùng đối tác chính trong liên minh đối lập là ông Naftali Bennett – lãnh đạo Đảng Yamina. Ông Bennett, người từng là đồng minh của Thủ tướng Netanyahu, sẽ nắm quyền trong 2 năm đầu tiên còn ông Lapid sẽ nắm quyền trong 2 năm còn lại.

Dù vậy, không có gì bảo đảm liên minh của họ sẽ kéo dài, nhất là khi nó được thành lập từ 8 đảng phái chính trị với nhiều hệ tư tưởng khác nhau.

Lãnh đạo đảng Yamina, ông Naftali Bennett (trái), trò chuyện cùng lãnh đạo đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid, trong phiên họp Quốc hội hôm 2-6 Ảnh: Reuters

Trong 2 năm trở lại đây, Israel đã trải qua 4 đợt bầu cử nhưng vẫn không thể phá vỡ bế tắc chính trị. Sau cuộc bầu cử hồi tháng 3, Tổng thống Israel Reuven Rivlin giao Thủ tướng Netanyahu, 71 tuổi, nhiệm vụ thành lập chính phủ trong vòng 28 ngày sau ngày bỏ phiếu.

Tuy nhiên, ông Netanyahu không nhận được đủ sự ủng hộ để kiểm soát ít nhất 61/120 ghế Quốc hội. Sau đó, nhiệm vụ này được trao cho ông Lapid, lãnh đạo Đảng Yesh Atid và ông này đã thành công.

Theo luật pháp Israel, Quốc hội phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong vòng 1 tuần kể từ ngày nhận được thông báo chính thức. Theo báo The Times of Israel, thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này chậm nhất là vào ngày 14-6. Điều này đồng nghĩa Thủ tướng Netanyahu và các đồng minh vẫn còn thời gian thuyết phục một số nghị sĩ rời liên minh đối lập.

Sự sụp đổ của thỏa thuận ngừng bắn với nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza hoặc một sự kiện từ bên ngoài cũng có thể khiến ảnh hưởng đến quá trình thành lập chính phủ mới.

Thủ tướng Netanyahu được nhiều người ủng hộ vì lập trường cứng rắn ở những vấn đề, như Iran và Palestine. Dù vậy, phe chỉ trích khẳng định ông là một nhân vật gây chia rẽ với nhiều hành vi phạm tội. Ông đang bị xét xử về một loạt cáo buộc như nhận hối lộ, gian lận…


Cao Lực

Chia sẻ