Thông tin trên do người phát ngôn của một trong ba nhóm vũ trang sắc tộc cho biết hôm 7-1.

Các nhà lãnh đạo của Đảng Tiến bộ Nhà nước Shan (SSPP), Đảng Liên hợp bang Wa (UWSP) và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDAA) (phần lớn đứng ngoài cuộc xung đột kể từ khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính vào tháng 2-2021) đang tiến hành các cuộc đàm phán. Theo tờ Global New Light của Myanmar, các cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày tại thủ đô Naypyidaw.

Người phát ngôn của SSPP (lực lượng kiểm soát lãnh thổ Myanmar ở phía Bắc bang Shan) nói rằng quân đội đã “yêu cầu chúng tôi để họ tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong khu vực của chúng tôi”. SSPP “sẽ không phản đối” đề xuất về việc tổ chức bầu cử.

Thống tướng Min Aung Hlaing cam kết tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào tháng 8-2023. Ảnh: Reuters

Nhân lễ kỷ niệm ngày độc lập lần thứ 75 của Myanmar vào ngày 4-1, Thống tướng Min Aung Hlaing nói rằng Myanmar đang nỗ lực hết sức để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử nhưng ông không đề cập đến thời điểm cụ thể.

Tuy nhiên vào cuối năm 2021, phát biểu trước những người đứng đầu và giáo viên tại các trường đại học quân sự ở Yangon, Thống tướng Min Aung Hlaing cho biết sẽ cố gắng tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào tháng 8-2023.

Hồi tháng 12-2022, lãnh đạo quân đội Myanmar đã gặp 5 nhóm phiến quân dân tộc có quy mô nhỏ hơn. Những nhóm này sau đó đã đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ kế hoạch tổ chức bầu cử của chính phủ quân sự của Myanmar.

Nhiều tháng trước đó (tháng 5-2022), 10 nhóm vũ trang sắc tộc tại Myanmar đã nhận lời tham gia các cuộc đàm phán hòa bình do Thống tướng Min Aung Hlaing (người đứng đầu Hội đồng Điều hành nhà nước) khởi xướng. Khi ấy, ông Zaw Min Tun, người phát ngôn Hội đồng Điều hành nhà nước (SAC) của Myanmar, cho biết nêu rõ SAC dự định tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình sớm nhất có thể, thời gian tiến hành đàm phán ưu tiên thuận tiện cho các nhóm vũ trang sắc tộc.

Myanmar có khoảng 20 nhóm phiến quân nổi dậy suốt nhiều thập kỷ nay đòi hỏi quyền tự trị, cũng như kiểm soát việc buôn bán ma túy béo bở cùng tài nguyên thiên nhiên ở vùng biên giới.

Myanmar rơi vào khủng hoảng từ đầu tháng 2-2021, sau khi quân đội bắt bà Aung San Suu Kyi và lật đổ chính quyền dân sự với cáo buộc gian lận bầu cử vào tháng 11-2020 không được giải quyết.


Huệ Bình