Việc gia hạn hộ chiếu hoặc bằng lái xe, thanh toán hóa đơn hay truy cập dữ liệu chính phủ bằng thiết bị điện tử mọi lúc và mọi nơi đã trở nên quan trọng hơn trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Nền kinh tế thêm hấp dẫn

Bên cạnh tính minh bạch và hiệu quả rõ ràng trong khâu cung cấp dịch vụ, chính phủ kỹ thuật số còn có thể khiến nền kinh tế của quốc gia trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu mới đây của các chuyên gia đến từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lần đầu tiên liên kết khả năng tiếp cận trực tuyến thông tin và các dịch vụ chính phủ với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà một quốc gia nhận được. Với nhiều quốc gia, tác động tích cực này nhiều khả năng được củng cố trong bối cảnh dịch Covid-19 thúc đẩy chính phủ cung cấp thêm nhiều dịch vụ và thông tin trực tuyến.

Kết quả phân tích FDI ở 178 quốc gia trong quãng thời gian 16 năm cho thấy sự hiện diện của các dịch vụ chính phủ kỹ thuật số dường như kích thích FDI. Cụ thể, các nước triển khai và áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và liên lạc được phát hiện thu hút FDI nhiều hơn so với các nước đi theo hướng ngược lại, bất kể cấp độ phát triển.

Hình thức thanh toán kỹ thuật số ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Philippines Ảnh: NIKKEI ASIA

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy khoảng cách kỹ thuật số toàn cầu và chênh lệch công nghệ giữa các nước thu nhập cao và các nước thu nhập thấp vẫn còn lớn. Theo Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc (UNEGDI) năm 2020, khoảng 50% trong tổng số 193 nước được thống kê có điểm số thấp hơn điểm trung bình thế giới 0,6. 

Trong đó, điểm trung bình của các quốc gia châu Phi thấp hơn gần 1/3 so với điểm trung bình thế giới. Đan Mạch, Hàn Quốc và Estonia là những quốc gia hàng đầu trong cung cấp dịch vụ chính phủ điện tử và phổ biến thông tin trên mạng. Một số quốc gia đang phát triển, như Bhutan và Bangladesh, đã trở thành các nước dẫn đầu trong nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng chính phủ điện tử. Những quốc gia này đã vươn lên từ nhóm giữa trong UNEGDI để trở thành một trong những quốc gia được xếp hạng cao nhất trong nhóm nước đang phát triển năm 2020.

“Mặc dù xếp hạng chính phủ điện tử có xu hướng tương quan với mức thu nhập của một quốc gia, các nguồn tài nguyên tài chính không phải là yếu tố quan trọng duy nhất thúc đẩy chính phủ kỹ thuật số. Ý chí chính trị, chiến lược lãnh đạo và sự cam kết đối với các dịch vụ kỹ thuật số có thể cải thiện xếp hạng của một nước” – Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế – xã hội của Liên Hiệp Quốc, ông Liu Zhenmin, khẳng định.

Nghiên cứu khuyến khích các nước tập trung phát triển chính phủ điện tử, xem đây là một phần của chiến lược hút FDI. Tuy nhiên, để thu hẹp khoảng cách số giữa các nền kinh tế và cung cấp dịch vụ điện tử cho mọi người, các chính phủ cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và liên lạc. Bên cạnh đó, các chính phủ cần nỗ lực để mọi người dân được tiếp cận internet an toàn với chi phí phải chăng.

Cơ hội cho Đông Nam Á

Theo kết quả của cuộc nghiên cứu “Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số: Cải thiện hòa nhập kỹ thuật số ở Đông Nam Á” được Công ty Tư vấn quản lý quốc tế Roland Berger (Đức) công bố hồi giữa tháng 2-2021, công nghệ kỹ thuật số ngày càng ăn sâu vào mọi khía cạnh kinh tế và đời sống của người dân trong khu vực. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ trong khủng hoảng Covid-19, khi các công cụ kỹ thuật số được sử dụng để thay thế giao dịch và tương tác vật lý.

ASEAN đề xuất cấp chứng nhận chung của cả khối dưới dạng kỹ thuật số về tiêm chủng Covid-19 để thúc đẩy quá trình tái mở cửa kinh tế Ảnh: REUTERS

“Tuy nhiên, Đông Nam Á hiện còn khoảng 150 triệu người trưởng thành, tương đương 31% dân số trưởng thành, chưa thể hòa nhập kỹ thuật số vì thiếu thiết bị công nghệ liên lạc hoặc trình độ kỹ thuật số” – đồng tác giả nghiên cứu Damien Dujacquier nói với báo The Manila Times (Philippines). Còn theo ông John Low, một đồng tác giả khác của cuộc nghiên cứu, việc thu hẹp khoảng cách số có thể giúp Đông Nam Á thu về và tiết kiệm ít nhất 15 tỉ USD/năm. Các nước đang phát triển không thể phớt lờ lĩnh vực kỹ thuật số nếu muốn gia tăng thị phần trong thương mại toàn cầu.

Mở rộng hòa nhập kỹ thuật số thường đòi hỏi các chính phủ đóng vai trò khởi xướng. Một vài nước đã thành lập cơ quan quốc gia để giám sát quản lý những sáng kiến kỹ thuật số liên quan đến nhiều khía cạnh, từ phát triển đất đai, phát triển cộng đồng đến phát triển giáo dục và kinh tế. Có thể xem đây là một hội đồng hòa nhập kỹ thuật số. Theo thời gian, khi mức độ hòa nhập gia tăng, các nước có thể hướng hội đồng này đến mục tiêu tiếp theo: Bước tiến mới trong quá trình số hóa, chẳng hạn như quốc gia thông minh.

Chính phủ các nước cũng có thể đóng vai trò đầu tàu trong chiến dịch thúc đẩy kỹ thuật số bao trùm. Một chiến lược phổ biến để làm điều này là thông qua các chương trình chính phủ điện tử khuyến khích người dân tương tác kỹ thuật số. Hòa nhập kỹ thuật số là chìa khóa hướng đến một xã hội năng động và cạnh tranh hơn, đưa đất nước lên những tầm cao mới trong tương lai.

Quá trình số hóa, trong đó có tự động hóa các nhà máy, đã làm thay đổi nền kinh tế và động lực của các ngành công nghiệp toàn cầu, kể cả ở Đông Nam Á. Kỹ năng và năng lực kỹ thuật số hiện là nền tảng giúp tham gia thành công vào các hoạt động kinh tế – xã hội. Nếu khoảng cách số không được thu hẹp, phần lớn người dân sẽ bỏ lỡ những cơ hội mà công nghệ kỹ thuật số mang lại. n

Kỳ tới: Chìa khóa giúp phục hồi sau Covid-19

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-3


Cao Lực

Chia sẻ