Cách đây vài ngày, trại di cư nêu trên còn là nơi xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình muốn phá hàng rào biên giới và lực lượng an ninh Ba Lan. Hiện tại, tất cả những gì còn lại chỉ là rác thải, lều và tro tàn.

Theo ghi nhận của báo The New York Times, đến chiều 18-11 (giờ địa phương), biên giới Belarus-Ba Lan không còn người di cư.

Giới chức Belarus hiện vẫn chưa thông báo điểm đến tiếp theo của hàng ngàn người di cư được sơ tán khỏi biên giới. Hôm 18-11, một lượng lớn người di cư đã được các lực lượng vũ trang Belarus đưa đến một kho hàng gần biên giới của chính phủ nước này.

Người di cư tập trung tại trung tâm vận tải và hậu cần gần biên giới Belarus-Ba Lan hôm 18-11. Ảnh: Reuters

Với anh Masoud Mahdi, 35 tuổi, người trải qua 11 ngày khắc nghiệt ở trại di cư cùng người vợ đang mang thai và con gái, kho hàng nêu trên là quá đủ để thoát khỏi cái lạnh thấu xương. Dù vậy, Mahdi khẳng định anh không muốn trở lại Iraq mà muốn đưa gia đình đến Đức.

Đồng hương của Mahdi là anh Awara Abbas, 30 tuổi, cũng tuyên bố đến châu Âu bằng mọi giá. Abbas cho biết đã 8 lần cố vào Ba Lan thông qua Belarus nhưng khi thành công, anh lại bị lực lượng an ninh Ba Lan phát hiện.

Chính phủ Belarus ra tay, biên giới “sạch bóng người di cư”

Abbas là một trong hàng trăm người di cư đầu tiên được đưa lên máy bay hồi hương vào ngày 18-11. Sau khi máy bay hạ cánh tại vùng Kurdistan – phía Bắc của Iraq, Abbas tuyên bố: “Từ giờ đến khi trút hơi thở cuối cùng, tôi sẽ cố gắng đến châu Âu. Tôi sẽ đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay bất cứ quốc gia nào khả thi”.

Nhiều người di cư tuyên bố đến châu Âu bằng mọi giá. Ảnh: Reuters

Giới lãnh đạo phương Tây khẳng định chính phủ Belarus đứng sau cuộc khủng hoảng tại biên giới Belarus-Ba Lan, với lời hứa hẹn người di cư có thể dễ dàng vào Ba Lan thông qua Belarus.

Theo Bộ Ngoại giao Iraq, 430 công dân nước này đã đăng ký lên máy bay hồi hương vào ngày 18-11. Tuy nhiên, đây chỉ là con số khiêm tốn so với hàng ngàn người di cư ở Belarus. 

Hiện không có dấu hiệu cho thấy phần lớn người di cư sẽ tự nguyện rời đi. Nhiều người vẫn hy vọng họ có thể tìm đường vào Liên minh châu Âu (EU) và trước mặt họ sẽ ở lại Belarus.

Ảnh chụp trại di cư ở biên giới Belarus-Ba Lan hôm 18-11. Ảnh: Reuters


Cao Lực

Chia sẻ