Tổng thống Biden và đảng Dân chủ coi đây là một trong những chiến thắng lớn nhất trong thời gian đầu của nhiệm kỳ. Ngay sau phiên bỏ phiếu cuối ở Hạ viện, ông Biden viết trên Twitter: “Hỗ trợ đã tới rồi”.

Theo ông Biden, “ban hành sắc lệnh này nhằm mang lại “xương sống” cho quốc gia, cho những người lao động trong ngành nghề thiết yếu, cho những người đã xây dựng đất nước, cho những người đang làm việc để giữ gìn đất nước một cơ hội chiến đấu”.

Ông Biden cho biết sẽ đặt bút ký để gói cứu trợ trở thành đạo luật vào ngày 12-3. Dự luật cứu trợ do Tổng thống Biden đề xuất là gói cứu trợ lớn thứ 2 trong lịch sử Mỹ, sau Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (Đạo luật CARES) trị giá 2.200 tỉ USD năm ngoái.

Chủ tịch Hạ viện Dân chủ Nancy Pelosi nhấn mạnh đây là thời điểm quan trọng trong lịch sử nước Mỹ. Ảnh: AP

Dự luật với tên gọi “kế hoạch giải cứu nước Mỹ” sẽ hỗ trợ trực tiếp mỗi người dân Mỹ với 1.400 USD, gia hạn trợ cấp thất nghiệp cho hàng triệu người, và thay đổi một số quy định về thuế nhằm hỗ trợ các gia đình có trẻ em.

Dự luật cũng dành hàng chục tỉ USD cho xét nghiệm Covid-19, truy vết và phát triển vaccine hướng tới mục tiêu của Tổng thống Biden là sản xuất đủ vắc-xin ngừa Covid-19 cho mọi người dân Mỹ vào cuối tháng 5.

Ngoài ra, ngân sách trong dự luật cũng được sử dụng để giúp mở cửa lại trường học, giúp các nhà hàng và doanh nghiệp duy trì hoạt động và hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương gặp khó khăn về nguồn thu ngân sách.

Nói về gói cứu trợ kinh tế khổng lồ của Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy nhấn mạnh đây là thời điểm quan trọng trong lịch sử nước Mỹ, “kế hoạch giải cứu nước Mỹ” sẽ tạo ra sự khác biệt cho hàng triệu người Mỹ, giúp cứu sống, hỗ trợ sinh kế.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (trái) và Lãnh đạo Phe đa số Thượng viện Chuck Schumer vui mừng sau khi gói cứu trợ được thông qua hôm 10-3. Ảnh: AP

Đối với các thành viên Đảng Dân chủ và ông Biden, về cơ bản, dự luật là một bức tranh mà trên đó họ phác họa niềm tin cốt lõi, cho thấy các chương trình của chính phủ có thể mang lại lợi ích. Tuy nhiên, lãnh đạo đa số tại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy cho rằng đây không phải một dự luật giải cứu hay cứu trợ mà là một danh sách các ưu tiên cánh tả và không đáp ứng các nhu cầu của người dân Mỹ.

Các thăm dò cho thấy tỉ lệ cao người dân ủng hộ chủ trương chi khoản tiền lớn 1.900 tỉ USD để cứu lấy nền kinh tế. Hầu hết cử tri không mấy quan tâm tới hệ quả của chiến lược này, sẽ khiến nợ công tăng lên 22.000 tỉ USD. Theo thăm dò của AP và Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng NORC, 70% người Mỹ (bao gồm 44% người Cộng hòa) ủng hộ cách ứng phó dịch Covid-19 của ông Biden.

Tính đến tháng 2, thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ đạt mức cao kỷ lục là 1,05 ngàn tỉ USD trong năm tháng đầu tiên của năm ngân sách này, khi chi tiêu để đối phó với đại dịch Covid-19 tăng cao hơn nhiều so với mức tăng thu nhập từ thuế.

Bộ Tài chính Mỹ hôm 10-3 cho biết thâm hụt từ tháng 10 đến tháng 2 nhiều hơn 68% so với mức thâm hụt 624,5 tỉ USD được ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự đoán rằng thâm hụt cho năm ngân sách kết thúc vào ngày 30-9 sẽ là 2,3 ngàn tỉ USD. Ước tính đó không bao gồm gói cứu trợ 1.900 tỉ USD của Tổng thống Biden.


Huệ Bình

Chia sẻ