Với sự trung gian của Nga, Armenia và Azerbaijan đồng ý ngừng bắn tại khu vực Nagorno-Karabakh kể từ trưa 10-10 (giờ địa phương) theo sau 2 tuần giao tranh dữ dội. Bộ trưởng Ngoại giao các nước này cho biết trong một tuyên bố rằng thỏa thuận ngừng bắn nhằm trao đổi tù nhân và thi thể người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất tại Nagorno-Karabakh kể từ cuộc chiến 1991-1994 khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Các chi tiết cụ thể hơn sẽ được bàn bạc và nhất trí sau. Ngoài ra, tuyên bố nêu rõ thỏa thuận ngừng bắn sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài này.

Kết quả trên đạt được theo sau cuộc hội đàm kéo dài 10 giờ tại thủ đô Moscow – Nga hôm 9-10. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nỗ lực trung gian hòa giải trong một loạt cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian.

Hiện chưa rõ thỏa thuận trên được duy trì bao lâu, nhất là sau khi xuất hiện thông tin chiến sự tiếp diễn trong sáng 10-10. Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc lực lượng người Armenia tấn công các khu vực đông dân. Armenia đã bác bỏ cáo buộc này đồng thời tố ngược quân đội Azerbaijan dùng máy bay không người lái tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ mình.

Từ trái sang: Bộ trưởng Ngoại giao 3 nước Azerbaijan, Nga và Armenia tại cuộc gặp ở thủ đô Moscow – Nga hôm 9-10Ảnh: Reuters

Nếu thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được tuân thủ nghiêm túc, đây sẽ là chiến thắng ngoại giao đáng kể của Moscow trong nỗ lực ngăn xung đột leo thang và lan rộng. Nga hiện có căn cứ quân sự ở Armenia và hiệp ước an ninh trên cho phép Moscow hỗ trợ đồng minh này nếu Yerevan đối mặt một số hình thức gây hấn, tấn công từ bên ngoài. Ngoài ra, Nga đang duy trì quan hệ kinh tế, chính trị với quốc gia Azerbaijan giàu dầu mỏ.

Một mối bận tâm khác của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Azerbaijan, có thể tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại vùng Nam Caucasus, được xem là sân sau của Moscow, thông qua cuộc xung đột. Vì thế, thỏa thuận ngừng bắn trên có thể giúp Điện Kremlin ngăn được ý định này của Thổ Nhĩ Kỳ (nếu có) nhưng vẫn không làm hỏng mối quan hệ chiến lược mong manh với Ankara. Quan hệ song phương này không ít lần nóng lên vì các xung đột lợi ích ở Syria và Libya.

Giờ đây, vai trò nổi bật của Ankara trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh khiến Moscow không khỏi lo ngại. Ngoài sự ủng hộ chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ trong vài năm qua còn cung cấp cho Azerbaijan vũ khí hiện đại, giúp quân đội nước này thắng thế trước lực lượng ly khai người Armenia trong cuộc xung đột mới nhất. Không những thế, giới chức Armenia còn tố Ankara đưa lính đánh thuê Syria đến giúp đỡ lực lượng Azerbaijan dù Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ cáo buộc này.

Nagorno-Karabakh thuộc lãnh thổ Azerbaijan nhưng đang chịu sự kiểm soát của lực lượng người Armenia được hậu thuẫn bởi Yerevan. Xung đột giữa quân đội Azerbaijan và lực lượng Armenia tại đó bắt đầu hôm 27-9 và khiến hàng trăm người thiệt mạng. Armenia trước đó tuyên bố để ngỏ khả năng đàm phán về một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, chính phủ Azerbaijan đưa ra điều kiện lực lượng Armenia phải rút khỏi Nagorno-Karabakh trước khi hai bên tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

Nga, Mỹ và Pháp là 3 nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk, được thành lập vào năm 1992 nhằm khuyến khích một giải pháp hòa bình cho tranh cãi về Nagorno-Karabakh. Dù vậy, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 9-10 phàn nàn rằng các cuộc đàm phán quốc tế trong gần 30 năm qua không mang lại kết quả gì và nhấn mạnh nước ông có quyền dùng vũ lực để lấy lại phần lãnh thổ đang bị chiếm giữ. 


Hoàng Phương

Chia sẻ