Vụ đụng độ đẫm máu kéo sang ngày thứ 2 làm dấy lên lo ngại về tính ổn định của khu vực nằm ở phía nam dãy Caucasus, khu vực được xem là “hành lang” của các đường ống dẫn dầu và khí đốt đi đến các thị trường trên thế giới. Tâm điểm của cuộc xung đột là tranh chấp quyền kiểm soát vùng núi Nagorno-Karabakh.

Vào tối 28-9, nhà chức trách ở Nagorno-Karabakh báo cáo có thêm 28 binh sĩ thiệt mạng, nâng tổng số người thiệt mạng trong hai ngày qua lên 59.

Chính quyền Azerbaijan cho biết có 2 dân thường thiệt mạng hôm 28-9, sau cái chết của 5 người trong cùng một gia đình vào ngày 27-9. Có 30 người dân bị thương.

Chính phủ Azerbaijan hôm 28-9 cho biết họ đã chiếm giữ các địa điểm chiến lược quan trọng trong khu vực tranh chấp.

Xe tăng của quân đội Azerbaijan tiến về nơi giao tranh với Armenia. Ảnh: Reuters

Cuộc giao tranh dữ dội mới nhất bắt đầu vào ngày 27-9, cả Armenia và Azerbaijan đều đổ lỗi cho nhau về sự leo thang. Cả hai bên cho biết họ đã huy động thêm binh sĩ và tuyên bố thiết quân luật ở một số khu vực. Theo nhiều thông tin, hai bên sử dụng không lực, tên lửa và xe thiết giáp hạng nặng tham chiến.

Các quốc gia khác lo ngại rằng cuộc giao tranh mới nhất có thể vượt tầm kiểm soát và cuốn vào các cường quốc láng giềng, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, vào guồng quay. Các nước này muốn duy trì sự ổn định vì các đường ống dẫn dầu và khí đốt. Châu Âu khai thác khoảng 5% lượng dầu và khí đốt từ khu vực này.

Cuộc xung đột âm ỉ ở biên giới phía Nam đầy biến động của Nga đang có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến toàn diện, với tiềm năng lôi kéo đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ Azerbaijan và lên án Armenia. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan viết trên mạng xã hội Twitter ngày 28-9: “Armenia đã tấn công Azerbaijan. Điều đó cho thấy nước này là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định khu vực”.

Trong khi đó, Nga – nước có căn cứ quân sự ở Armenia nhưng cũng thân thiện với Azerbaijan – kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông “cực kỳ quan ngại”, kêu gọi cả hai bên ngừng giao tranh.

7 dân thường thiệt mạng, 30 người bị thương trong các cuộc tấn công của người Armenia gần Nagorno-Karabakh. Ảnh: azernews.az

Về phía Armenia, nước này cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân sự trực tiếp để giúp Azerbaijan giành quyền kiểm soát lãnh thổ. Thế nhưng cáo buộc này bị Azerbaijan bác bỏ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài BBC, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Zohrab Mnatsakanyan cáo buộc Azerbaijan phá hoại giải pháp hòa bình và khẳng định Armenia phải bảo vệ khu vực. Người phát ngôn của chính quyền Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nói rằng đất nước của ông đang thực hiện “các biện pháp đáp trả” trước các hành động khiêu khích của Armenia.

Mặc dù một lệnh ngừng bắn đã được đồng thuận vào năm 1994, sau khi hàng ngàn người thiệt mạng và nhiều người khác phải di tản, Azerbaijan và Armenia thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh và dọc theo biên giới.

Hồi tháng 7, Armenia từng cảnh báo về rủi ro an ninh ở Nam Caucasus sau khi Azerbaijan đe dọa tấn công nhà máy điện hạt nhân của Armenia như một đòn trả đũa có thể xảy ra.


H.Bình (Theo BBC, The Guardian)

Chia sẻ