Con số này nâng tổng số tay súng Armenia thiệt mạng lên 542 người kể từ khi đụng độ nổ ra vào ngày 27-9.

Giữa lúc chiến sự leo thang căng thẳng, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 12-10 kêu gọi Armenia và Azerbaijan giám sát tức thì lệnh ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh do Moscow xúc tiến. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm cùng ngày với người đồng cấp Nga Sergey Shoygu, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar khẳng định Moscow phải thuyết phục Armenia “chấm dứt tấn công dân thường Azerbaijan”, đồng thời cảnh báo Azerbaijan “sẽ không chờ thêm 30 năm để đạt được một thỏa thuận”.

Lo ngại lửa xung đột lây sang quốc gia mình, Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli đã cảnh báo về “các biện pháp đáp trả thỏa đáng” nếu kịch bản này xảy ra. Cùng lúc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Said Chatibsadeh thông báo Tehran sẵn sàng hòa giải xung đột miễn là 2 bên “kiềm chế, chấm dứt giao tranh ngay lập tức và nối lại đàm phán”.

Một khu vực bị chiến tranh tàn phá ở TP Ganja thuộc Nagorno-Karabakh hôm 11-10Ảnh: Reuters

Là nơi sinh sống của cả người Armenia và người Azerbaijan, theo đài Deutsche Welle (Đức), Tehran có lý do để nỗ lực ngăn xung đột trên leo thang và lan rộng. Cộng đồng người Armenia tại Iran hiện có khoảng 100.000 người, nhỏ hơn rất nhiều so với cộng đồng người Iran gốc Azerbaijan (khoảng 15 triệu người trong tổng số 82 triệu dân). Người gốc Azerbaijan cũng là một trong những cộng đồng thiểu số có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Iran.

Kể từ khi Azerbaijan thành quốc gia độc lập, Tehran luôn để mắt đến ảnh hưởng của nước này đối với cộng đồng thiểu số Azerbaijan tại Iran. Chính phủ Iran thường xuyên bày tỏ lo ngại về việc Azerbaijan muốn phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ của Iran với sự hậu thuẫn của Mỹ để sáp nhập các tỉnh ở phía Tây của Iran với các tỉnh phía Đông của Azerbaijan.

Tehran còn lo ngại về quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Azerbaijan với Mỹ và Israel, vốn đều xem Azerbaijan là một quốc gia quan trọng cả về quân sự lẫn kinh tế tại Nam Caucasus. Ngoài ra, sự tham gia gián tiếp của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột là mối bận tâm khác của Tehran. Trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan thì Nga có căn cứ quân sự tại Armenia. Vấn đề là Tehran đang duy trì các mối quan hệ “phức tạp” và “mong manh” với cả Ankara và Moscow.


Cao Lực

Chia sẻ